Ca cao phá kỷ lục tăng giá trong vòng gần 50 năm, Việt Nam nắm giữ hơn 4.500 tấn/năm
22/08/2023Giá mặt hàng nông sản này đã tăng đột biến trong thời gian gần đây, đe dọa ngành công nghiệp “ngọt ngào” của thế giới.
Giá ca cao đe dọa lợi nhuận nhà sản xuất
Các nhà sản xuất trong ngành công nghiệp sô cô la đã thu được lợi nhuận bội thu trong vài năm qua do nhu cầu về mặt hàng này tăng cao, dù giá cả khá đắt đỏ. Tuy nhiên dữ liệu thu thập của Reuters cho thấy xu hướng này sẽ chấm dứt khi giá ca cao đang ở mức cao nhất trong vòng 46 năm và giá đường cũng đang ở mức kỷ lục trong vòng hơn một thập kỷ qua.
Dữ liệu do các nhà nghiên cứu thị trường Nielsen cung cấp đã chỉ ra giá sô cô la tại châu Âu và Bắc Mỹ đã tăng khoảng 20% trong vòng 2 năm qua khiến người mua bắt đầu cắt giảm việc tiêu thụ. Nhiều nhà sản xuất sô cô la trên thế giới như Hershey và Mondelez sẽ phải đối mặt với tình trạng khó khăn hơn trong năm tới khi giá của ca cao chưa chấm dứt đà tăng. Trong một năm qua, giá ca cao đã tăng đến 30%.
Giá cả nguyên liệu tăng cao dẫn đến việc tăng giá sô cô la đã đè nặng lên tỷ suất lợi nhuận của các nhà sản xuất sản phẩm. Điều này đã dẫn đến việc thương hiệu Mondelez trước đó đã rút các thanh Cadbury và Milka khỏi kệ hàng của chuỗi siêu thị Colruyt tại Bỉ sau khi không thống nhất được về giá cả.
Mức tăng trưởng doanh số bán sô cô la của Mondelez đã giảm đi đáng kể trong năm nay, từ 14,8% trong 2 tháng đầu năm xuống còn 3,2% vào tháng 7, ngay cả khi hãng cố gắng giữ giá mặt hàng này ở mức khá bình ổn, theo phân tích của Bernstein. Ngoài ra, dữ liệu cũng cho thấy doanh số bán hàng của Hershey ngày càng giảm trong giai đoạn này khi công ty tăng giá.
Kỳ vọng nhu cầu tăng trở lại
Trong khi đó, sô cô la mang nhãn hiệu riêng (private label) với giá thấp hơn tiếp tục chiếm thị phần. Tại Mỹ, doanh số bán hàng của phân khúc này đã tăng gần 9% trong nửa đầu năm mặc dù giá tăng gần hai chữ số, dữ liệu của IRI cho thấy.
Rabobank cho biết những áp lực về chi phí có thể tiếp tục kéo dài sang năm tới do hiện tượng thời tiết El Nino ở Tây Phi và việc thiếu các nhà sản xuất thay thế có thể tăng sản lượng một cách nhanh chóng.
Cây ca cao đã được trồng tại Việt Nam từ rất lâu. Thêm vào đó, từ những năm 2010, ca cao được đẩy mạnh qua các chương trình viện trợ của Hoa Kỳ, cũng như các tập đoàn sô cô la lớn nên đã có thời điểm diện tích trồng ca cao ở cả nước lên trên 25.000ha (năm 2013).
Gần đây hạt ca cao Việt Nam đã được thế giới biết đến nhiều hơn sau khi một sản phẩm chocolate của thương hiệu Marou làm ra từ hạt trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long và được New York Time đánh giá là “Thanh chocolate hảo hạng nhất thế giới”. Nhờ đó, hạt ca cao Việt Nam bắt đầu được biết đến và nhu cầu về hạt ca cao chất lượng của Việt Nam ngày càng tăng cao.
Tại Việt Nam, nước ta sản xuất khoảng 4.500 tấn ca cao/năm, chỉ chiếm khoảng 0,1% sản lượng của thế giới, được trồng chủ yếu ở các tỉnh: Đồng Nai, Bình Thuận, Bến Tre, Tiền Giang, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Lâm Đồng , Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk…
Tuy nhiên, chỉ dừng lại khâu trồng trọt và bán thô, thì giá trị chúng ta nhận được từ chuỗi này chỉ 6,6%, và phần lớn lợi nhuận sẽ “nhường” cho những nước phát triển như Bỉ, Pháp, Ý, nơi có hàng loạt các nhà sản xuất chocolate lớn nhất thế giới. Còn nếu chúng ta tham gia chế biến sâu và kiểm soát luôn khâu canh tác, giá trị mà chúng ta nhận được có thể hơn 50% tổng giá trị của chuỗi giá trị chocolate.