Các sàn thương mại điện tử Việt Nam phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
27/09/2023Việt Nam đang nổi lên với một thị trường thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng, được đánh dấu bằng thương mại di động mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài ngày càng tăng.
Theo Báo cáo Xu hướng thanh toán thương mại điện tử Việt Nam của JPMorgan Chase & Co., giá trị thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã tăng ít nhất 1/4 mỗi năm kể từ năm 2017. Trong thời gian tới, mức tăng trưởng này dự kiến sẽ tiếp tục ở mức tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 15,1%.
Trong cùng một báo cáo, Shopper, Lazada và Tiki được người dùng hoạt động hàng tháng đánh giá cao và là những ứng dụng mua sắm hàng đầu. Cả Shopee và Lazada đều đang cạnh tranh giành thị phần trên khắp thị trường Đông Nam Á. Ngược lại, gã khổng lồ phương Tây Amazon lại không có thị phần đáng kể.
Bức tranh sáng của thương mại điện tử
Trong báo cáo Chỉ số thương mại điện tử B2C mới nhất do Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc công bố, Việt Nam đã tăng ba bậc lên vị trí thứ 63 trong bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng thương mại điện tử toàn cầu.
Với số điểm 61,6 trên thang điểm 100, Việt Nam đã vượt qua Indonesia (thứ 83), Philippines (thứ 96), Lào (thứ 101), Campuchia (thứ 117) và Myanmar (thứ 130). Việc xếp hạng dựa trên bốn chỉ số có mối tương quan cao với mua sắm trực tuyến: truy cập máy chủ internet; độ tin cậy của dịch vụ bưu chính; tỷ lệ dân số sử dụng internet và tỷ lệ dân số trên 15 tuổi có tài khoản tại tổ chức tài chính hoặc nhà cung cấp dịch vụ tiền di động.
Gần 70% tổng số người dân Việt Nam sử dụng internet và 31% cá nhân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản ngân hàng di động. Về khả năng truy cập máy chủ internet và độ tin cậy của bưu điện, Việt Nam lần lượt đạt điểm 64 và 83%.
Theo đánh giá của Kristine Nguyen, Giám đốc điều hành của AAD Awake Asia, thị trường Việt Nam đang cởi mở hơn với những cơ hội và thách thức mới so với Philippines, Malaysia và Singapore. Các thương hiệu trẻ hiện đang tham gia vào thị trường thương mại điện tử họ đang dần phát triển mạnh hơn qua mỗi năm.
Dẫn đầu công ty thương mại điện tử tập trung vào việc hỗ trợ các thương hiệu trực tuyến, Giám đốc điều hành Kristine dự đoán Việt Nam có thể vươn lên ở vị trí số 1 hoặc số 2 sau 5 năm.
Phục hồi sản xuất
Năm 2023, thế giới đang chìm trong những suy thoái sâu sắc, Việt Nam lại đang sở hữu được mức tăng trưởng cao nhất trong ngành này. Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam được nhiều người đánh giá cao nhờ thành quả vượt trội của nền kinh tế, với sản lượng tăng nhờ nhu cầu xuất khẩu ổn định. Theo các nhà kinh tế, đó là xu hướng sẽ tiếp tục tồn tại trong những năm tới.
Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi lớn từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong nhiều năm qua, được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng lớn trong những năm tới.
Việt Nam đã và đang trở thành thị trường hấp dẫn nhất nhờ vị trí địa lý gần với Trung Quốc, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ưu đãi đầu tư từ Chính phủ cực lớn. Ngoài ra, quốc gia này đưa ra mức giá sản xuất thấp hơn do chi phí lao động thấp và ít bị áp thuế nhập khẩu hơn. Đồng thời cũng có ít quy định liên quan về môi trường khiến chi phí sản xuất tăng cao.
Hãng Asia Perspective của Mỹ mới đây đã công bố một báo cáo về kinh tế Việt Nam, cũng nêu bật sự tăng trưởng nhanh chóng nhờ sự phục hồi của ngành sản xuất. Khi Covid-19 được kiểm soát hiệu quả ở Việt Nam và Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh Châu Âu có hiệu lực, ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng trưởng đến 5,82% vào năm 2020, dẫn đường cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Nghiên cứu dự đoán rằng môi trường đầu tư ở Việt Nam có vẻ đầy hứa hẹn do ít quy định về môi trường và thị trường nội địa đang phát triển nhanh, điều đó sẽ tiếp tục thu hút nhiều công ty nước ngoài hơn.