Chứng khoán nhọc nhằn leo đỉnh, BĐS lo bong bóng: Có nên rót tiền?

26/03/2021

Được trợ lực từ dòng vốn của nhà đầu tư F0, chứng khoán và bất động sản đang là 2 kênh đầu tư sáng giá nhất hiện nay. Tuy nhiên, trong năm 2021, đây có phải là hai kênh đầu tư nên rót tiền khi VNI vẫn chưa thể bám đỉnh còn BĐS có thể xuất hiện bong bóng?

Dù vẫn đang nhọc nhằn vượt qua mốc đỉnh lịch sử nhưng 4 lần VNI chạm ngưỡng 1200 trong 3 tháng đầu năm 2021 đã giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư chứng khoán. BĐS cũng xuất hiện những đợt sóng rải rác tại một số tỉnh thành, giá đất tăng mạnh nhiều nơi, người dân bắt đầu đổ đi mua đất… Trong khi đó, giá vàng dường như đã qua giai đoạn hoàng kim, lãi suất ngân hàng chưa rõ dấu hiệu tăng trở lại, dịch bệnh chưa bị đẩy lùi hoàn toàn nên nhiều ngành sản xuất, kinh doanh chưa thể gượng dậy. Lựa chọn chứng khoán hoặc BĐS có phải là tối ưu trong năm nay? Để trả lời câu hỏi này, Batdongsan.com.vn đã có buổi phỏng vấn ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam:

– Dòng vốn trên thị trường sẽ liên tục dịch chuyển giữa các kênh đầu tư, sản xuất kinh doanh. Hiện tại nhiều ngành sản xuất, du lịch, thương mại vẫn gặp khó khăn, trong khi các kênh đầu tư dòng tiền như chứng khoán, BĐS có dấu hiệu khởi sắc. Theo ông đây có phải là xu hướng dòng tiền trong năm nay?

Dòng vốn dịch chuyển giữa các kênh đầu tư, sản xuất kinh doanh tùy thuộc vào thời điểm cũng như các chính sách điều tiết của Chính phủ có ảnh hưởng tới các thị trường này hay không. Trong mối quan hệ giữa chứng khoán và BĐS, thông thường theo lịch sử để lại cũng như tâm lý đầu tư thì BĐS thường sẽ là bến đỗ để hiện thực hóa tài sản của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong thời điểm hiện tại, lãi suất ngân hàng thấp, thị trường chứng khoán đang trên đà tăng trưởng – dòng vốn bùng nổ từ các nhà đầu tư có vốn ít, ngắn hạn cho tới các nhà đầu tư có vốn lớn. Thị trường sẽ phân hóa làm 2 giai đoạn, giai đoạn thị trường tăng trưởng nóng các nhà đầu tư sẽ hiện thực hóa tài sản bằng cách chốt lời ở chứng khoán và sẽ dừng chân ở BĐS. Hoặc, thị trường rơi vào tình trạng quá mua, biến động từ các yếu tố vĩ mô, ngay lập tức dòng tiền cũng sẽ rút ra và dừng lại ở các kênh an toàn như BĐS… 

Ông Đinh Minh Tuấn nhận định về thị trường chứng khoán và BĐS năm 2021

Dòng tiền thông minh sẽ tùy thuộc vào nguồn vốn, khẩu vị cũng như thời điểm khác nhau để cân bằng điểm lợi ích khi đầu tư chứng khoán hay BĐS. Sự khởi sắc của hai thị trường này chịu tác động bởi cả những yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước. 

Yếu tố trong nước: hạ tầng được tập trung đẩy mạnh, lãi suất ngân hàng thấp để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, điều này thúc đẩy nguồn tiền nhàn rỗi ở các ngân hàng tìm các kênh đầu tư có mức lợi nhuận cao hơn: chứng khoán và BĐS. 

Yếu tố vĩ mô bên ngoài: khi tình hình dịch bệnh vẫn đang rất phức tạp ở các nước, tình hình kinh tế thế giới đang rơi vào khủng hoảng, các nước lớn tung ra các gói cứu trợ kỷ lục nhằm phục hồi kinh tế (ví dụ: Mỹ thông qua gói cứu trợ 1.900 tỷ USD..), với tác động ở các nước nhỏ hơn sẽ dễ xảy ra tình trạng lạm phát. 

Với 2 yếu tố này cùng với tâm lý lựa chọn các kênh trú ẩn an toàn và tránh lạm phát, dòng tiền trong thời gian sắp tới sẽ ưu tiên vào BĐS, vàng và đâu đó sẽ có thể là Coin.

– Cùng với chứng khoán, BĐS đang có dấu hiệu tạo sóng nhưng tình trạng sốt đất ảo cũng xuất hiện ở một số địa phương, nhiều người ôm tiền mua đất bất chấp. Theo ông, có nên lo ngại về bong bóng BĐS không?

Tình trạng sốt đất ảo diễn ra chủ yếu ở một vài địa phương và không đại diện cho cả thị trường, so với cách đây 10 năm thì thị trường BĐS đang phát triển ở cấp độ cao hơn và các nhà đầu tư có nhiều thông tin hơn để kiểm tra và đối chứng. Ngoài ra, rất khó xảy ra tình trạng bong bóng BĐS ở thời điểm hiện tại, có 3 lý do như sau:

i) Kinh tế vĩ mô và chính trị ổn định, Chính phủ đưa ra nhiều chính sách để kiểm soát kịp thời về: pháp lý dự án, phát triển đô thị…

ii) Chính phủ đang sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, giảm lãi suất ngân hàng và tập trung vào việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng phục vụ nhu cầu đi lại và lưu thông hàng hóa;

iii) Sự lệch pha về cung và cầu, các dự án được “mọc” ra chưa có nhu cầu ở thực cùng với áp lực của các khoản vay và lãi suất tăng cao dẫn tới bán tháo các BĐS; tình trạng này gần như hiếm xảy ra khi nhu cầu BĐS ở các khu vực trung tâm và các khu đô thị vệ tinh các thành phố lớn tăng cao.

– Như vậy chứng khoán và BĐS vẫn sẽ là những kênh đầu tư hấp dẫn trong năm nay?

Đúng vậy, xét về mức độ hấp dẫn theo đánh giá riêng của cá nhân tôi, cả 2 thị trường vẫn còn dư địa để tăng trưởng: 

Thứ nhất: thị trường chứng khoán của Việt Nam có mức pe thấp và hấp dẫn nhất trong khu vực, cùng với sự ổn định của chính trị và vĩ mô, sự hỗ trợ mạnh của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch Covid. Thị trường sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định, dòng tiền sẽ tiếp tục ưu tiên vào kênh chứng khoán ít nhất đến hết năm 2021.

Thứ hai: hạ tầng được khơi thông, các công trình giao thông trọng điểm đã được triển khai và đi vào xây dựng – và nó là tiền đề cho việc tạo ra nhu cầu đầu tư ở các khu vực trước đây đang có hạn chế về giao thông, các khu đô thị vệ tinh ở các thành phố lớn hưởng lợi. Với mức giá phù hợp và kỳ vọng về tăng trưởng, BĐS cũng là kênh lựa chọn dài hạn cho các nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro thấp hơn so với đầu tư chứng khoán.

– Ông đánh giá thế nào về sự xuất hiện đông đảo của nhóm nhà đầu tư F0 ở cả thị trường chứng khoán và BĐS? Xu hướng này có tác động gì tới thị trường? 

Các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường (F0) ở cả 2 thị trường BĐS và chứng khoán một cách ồ ạt làm cho nguồn cầu tăng lên rất nhanh trong thời gian ngắn. Điều này phản ánh đúng nhu cầu khi Chính phủ sử dụng chính sách nới lỏng giảm lãi suất, nguồn tiền thông minh sẽ tìm các kênh đầu tư có mức độ rủi ro cao hơn.

Với lượng tiền nhàn rỗi gia nhập liên tục trong khoảng thời gian 2 năm làm tăng thanh khoản cho cả 2 thị trường, và cũng chứng minh được nội lực mạnh từ các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, đa số các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường thiếu kiến thức cũng như kinh nghiệm do đó khi rủi ro xảy ra thì họ cũng sẽ là những người đầu tiên rút chân nếu cảm thấy không còn đủ sức hấp dẫn. Đây cũng là lo ngại của rất nhiều chuyên gia trong ngành BĐS và chứng khoán.

– Ông có lời khuyên nào cho nhà đầu tư trong năm nay, đặc biệt là các nhà đầu tư F0 khi mà các yếu tố vĩ mô cũng như tình hình dịch bệnh vẫn đang “tranh tối tranh sáng” như hiện nay?

Thời điểm nào thì rủi ro cũng tồn tại song song với cơ hội. Khi dòng tiền đang chảy về những thị trường hấp dẫn như chứng khoán và BĐS thì các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường thường là những nhà đầu tư dễ bị tổn thương nhất do thiếu kinh nghiệm về đầu tư và cả thông tin. Trong giai đoạn “tranh tối tranh sáng” nên lựa chọn các kênh đầu tư giữ tài sản như vàng, BĐS vừa đảm bảo được rủi ro khi lạm phát, khủng hoảng xảy ra và cũng là cơ hội khi thị trường tăng trưởng.

– Xin cảm ơn ông!


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.