Có nên đầu tư lướt sóng đất theo thông tin sáp nhập tỉnh thành.

01/04/2025

Thông tin về việc đề xuất sáp nhập tỉnh, thành đã thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia “săn” đất tại các khu vực dự kiến là trung tâm sáp nhập. Xu hướng lướt sóng đón đầu này tiềm ẩn nhiều rủi ro trong ngắn hạn. Việc đầu tư lướt sóng theo tin đồn đoán dễ khiến nhà đầu tư chết vốn, thua lỗ như đã diễn ra trong các cơn sốt đất những năm trước.

Tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, những lô đất tại phường Thanh Miếu, Vân Phú, Gia Cẩm, Bạch Hạc, Sông Lô, Thọ Sơn… có mức giá rao bán tăng 30-40%.

Tương tự, khu đô thị Bến Gót, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, đón nhiều nhà đầu tư tới tìm mua đất từ đầu tháng 3-2025. Trước Tết, những lô đất ở khu vực này có mức giá rao bán khoảng 13-15 triệu đồng/m2, nhưng hiện là hơn 20 triệu đồng/m2.

Với một số huyện giáp ranh giữa tỉnh Hà Nam và Ninh Bình là Phủ Lý, Thanh Liêm, Gia Viễn, nhiều lô đất trong làng, có giá rao bán khoảng 1-1,5 tỉ đồng/lô vào cuối năm 2024, thì nay được giới đầu nậu về ôm đất, rồi rao bán với giá khoảng 1,7-2,2 tỉ đồng/lô. Còn các lô đất gần trục đường chính Quốc lộ 1A được đẩy từ khoảng 2-2,5 tỉ đồng/lô lên 3,3-3,5 tỉ đồng/lô.

Từ góc nhìn chuyên gia, ông Steven Woo, chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect, cho biết mức độ quan tâm tìm kiếm BĐS tăng đáng kể tại một số khu vực như: huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) với mức tăng 41%; thành phố Thuận An (Bình Dương) với mức tăng 26%, thành phố Dĩ An (Bình Dương) với mức tăng 23%.

Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là kỳ vọng về việc sáp nhập cấp tỉnh và bỏ cấp huyện giúp giảm thiểu sự cồng kềnh và kém hiệu quả của bộ máy hành chính, tiết kiệm ngân sách. Hơn nữa, sáp nhập tỉnh giúp mở rộng diện tích của tỉnh mới, qua đó dễ dàng quy hoạch các dự án hạ tầng giao thông (đường vành đai, mạng lưới metro TOD, đường cao tốc) và hạ tầng công (bệnh viện, trường học).

“Điều này giúp việc phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng nhanh hơn, đồng bộ và tăng tính liên kết, giảm sự cạnh tranh không lành mạnh tại địa phương. Khi hạ tầng giao thông công cộng được cải thiện giúp dãn dân cư, và thúc đẩy nguồn cung nhà ở phân khúc tại các khu vực sau sáp nhập khi tiện ích, hạ tầng cải thiện”, ông Steven Woo nói và đánh giá đây là triển vọng dài hạn sau sắp xếp địa phương.

Về ngắn hạn, chuyên gia này cảnh báo những diễn biến trên thị trường nhà đất phần lớn xuất phát từ tâm lý đầu cơ lướt sóng, dẫn tới sốt giá ảo.

Nhìn lại quá khứ, khi Hà Tây, Mê Linh sáp nhập vào Hà Nội năm 2008, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã kỳ vọng giá sẽ tăng mạnh sau sáp nhập. Tuy nhiên, chỉ có giá đất tại thị xã Hà Đông, dọc tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động, ghi nhận mức giá rao bán tăng từ khoảng 12-15 triệu đồng/m2 lên khoảng 45-50 triệu đồng/m2. Ngược lại, các khu vực khác không có sự tăng giá mạnh sau giai đoạn sốt đất.