Doanh nghiệp bất động sản ngấm đòn, vẫn còn rất nhiều khó khăn

12/10/2023

Không có nguồn thu từ khách hàng, pháp lý dự án gặp nhiều khó khăn, ngân hàng siết tín dụng,… khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản cạn kiệt dòng tiền đành phải bán tháo dự án, cổ phần để trả nợ ngân hàng, trái phiếu.

6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 554 đơn vị, tăng tới 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản đang rơi vào tình trạng “rất khó khăn”. Nhiều doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh sống còn, có nguy cơ “chết trên đống tài sản”. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động đưa ra kế hoạch đối phó với những tình huống không dự báo trước.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) – Nguyễn Hoàng Hải, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp bất động sản phản ánh gặp nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản còn đang tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn hiện nay như: khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai dự án. Để duy trì trong thời gian này, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Có doanh nghiệp đã phải giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.


Mặc dù lãi suất điều hành giảm nhưng vẫn đang ở mức doanh nghiệp khó tiếp cận. Cùng với đó, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng biến động mạnh dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng bị tăng cao, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để thị trường bất động sản vượt qua khó khăn, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, trong giai đoạn này, các nhà phát triển bất động sản cần tái cấu trúc sản phẩm, tập trung vào phân khúc phục vụ nhu cầu ở thật. Đồng thời, cần giữ uy tín và cam kết để tạo lập niềm tin với nhà đầu tư và người mua.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đơn vị này đang đã ghi nhận nhiều chủ đầu tư có nhu cầu tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư dự án. Thay vì giữ vững kỳ vọng được giá như giai đoạn trước, các chủ đầu tư hiện nay dần thể hiện thiện chí thương lượng với mong muốn đàm phán sớm đạt được thành công.

Khi lâm vào bước đường cùng, nhiều chủ đầu tư phải chấp nhận bán lỗ nhiều. Phương thức chuyển nhượng chủ yếu vẫn là chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp trên thị trường bất động sản. Trong đó, tách doanh nghiệp dự án và mua bán đứt doanh nghiệp là lựa chọn được nhiều bên mua đang hướng tới.

Một khảo sát được công bố mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, đang có hơn 70% doanh nghiệp cho biết các cơ chế nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa thực sự phát huy, tác động tới doanh nghiệp.

Trong đó, một số nhóm doanh nghiệp đã sẵn sàng để tiếp cận nguồn vốn nhưng lại gặp khó vì lãi suất ở ngưỡng cao dù đã được điều chỉnh theo xu hướng giảm thời gian qua. Còn các nhóm doanh nghiệp còn lại thậm chí chưa đủ điều kiện để có thể vượt qua vòng thẩm định hồ sơ vì tồn nhiều khoản nợ trước đó.