Doanh nghiệp cần nâng cao cảnh giác khi xuất khẩu hàng hóa quốc tế
28/08/2023Trong bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng phát triển, kéo theo càng nhiều rủi ro với doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường khó khăn, khi có được các đơn hàng mới, doanh nghiệp có tâm lý nóng vội mà đôi khi lơ là các yếu tố tiềm ẩn rủi ro.
Thương mại quốc tế là chìa khóa mở ra những cơ hội giao thương cho một quốc gia. Khi đối diện với một sân chơi rộng hơn, với những luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng tăng lên và mức độ phức tạp hơn rất nhiều. Chính vì thế, lừa đảo trong thương mại quốc tế đang đặt doanh nghiệp đứng trước nhiều rủi ro.
Tiềm ẩn nguy cơ dính “bẫy”
Theo Hiệp hội Chuyên gia chống lừa đảo toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ, các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo. Giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết trên toàn cầu, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế trong 2022 là 46%.
Hiện tại, Việt Nam đã đứng trong Top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Nhưng mặt trái của quy mô thương mại khi phình to là nguy cơ bị lừa đảo trong các giao dịch quốc tế gia tăng. Doanh nghiệp Việt cũng không đứng ngoài các “bẫy lừa” được bày ra ngày một tinh vi.
Có 6 rủi ro cơ bản trong giao thương quốc tế mà doanh nghiệp cần phải nhận diện. Doanh nghiệp thường gặp rủi ro khá nhiều về khả năng thanh toán như không thanh toán đầy đủ hoặc đúng hạn, thay đổi quy định về thanh toán, rủi ro về các phương thức thanh toán chuyển tiền (TTR/ LC/ Hạn mức tín dụng)…
Theo số liệu của Hiệp hội Chuyên gia chống lừa đảo toàn cầu, các doanh nghiệp trên thế giới thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo. Giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ Hãng kiểm toán PwC Việt Nam ghi nhận, cứ 2 doanh nghiệp được hỏi, thì 1 doanh nghiệp cho biết đã từng bị lừa đảo thương mại quốc tế. Đây là con số thực sự đáng báo động. Đáng lưu ý là, con số này cao hơn mức 49% của toàn cầu.
Cần lưu ý các dịch vụ pháp lý
Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng, ngừa và đối phó với các lừa đảo và tranh chấp rất dễ xảy ra. Nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại. Đặc biệt, khi đưa sản phẩm ra nước ngoài, rất nhiều doanh nghiệp đã xảy ra việc tranh chấp nhãn hiệu dẫn đến không được bảo hộ tại đất nước đó. Vì vậy các doanh nghiệp cần trang bị những kỹ năng cần thiết để tránh bị thiệt hại và tận dụng hiệu quả của hiệp định.
Để phòng tránh rủi ro thương mạidoanh nghiệp cần kiểm tra kỹ lưỡng đối tác, tìm hiểu các quy định về nguồn gốc xuất xứ, đặc thù thị trường, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cẩn trọng thanh toán quốc tế trong đó lưu ý phương thức D/P, cần có thói quen trong sử dụng các dịch vụ pháp lý. Ngoài ra, cần có mạng lưới thông tin thường xuyên liên hệ với cơ quan Thương vụ, Phòng Thương mại và các tổ chức hỗ trợ khác.
Về điều khoản thanh toán đối với hàng xuất khẩu, doanh nghiệp cần áp dụng các điều kiện thanh toán mang tính an toàn cao như thanh toán bằng thư tín dụng L/C, TT trả trước… thông qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng lớn có uy tín. Đối với nguyên phụ liệu nhập khẩu, cần kết hợp kiểm tra toàn bộ các giải pháp kiểm tra về thông tin thanh toán (đặc biệt là những thanh toán lần đầu) từ phía các nhà cung cấp từ Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Hồng Kong…
Đối với các thanh toán lần đầu cần kiểm tra số tài khoản ngân hàng của các nhà cung cấp bằng các hình thức: Gọi điện trực tiếp, qua fax, qua các phần mềm chat trực tiếp, qua khách hàng chỉ định/bảo lãnh đặt NPL… Đảm bảo chắc chắn an toàn thì chúng mới thực hiện thanh toán. Đặc biệt, doanh nghiệp cần có bộ phận tổng hợp thống kê các thông tin liên quan tới rủi ro thanh toán quốc tế, trong các giao dịch mua bán quốc tế.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đối diện với rủi ro bị mất nhãn hiệu của chính mình trên thị trường quốc tế, nguyên nhân là do doanh nghiệp không đăng ký bảo hộ tại quốc gia đó. Để phòng ngừa rủi ro trong thương mại quốc tế, các doanh nghiệp cần dựa vào các doanh nghiệp đi trước. Bên cạnh đó, tổ chức hội cũng là kênh hỗ trợ doanh nghiệp hội viên hiệu quả để hạn chế các rủi ro khi tranh chấp, đồng thời cũng cần cẩn trọng khi giao kết hợp đồng.
Do hợp đồng mua bán luôn là cơ sở để giải quyết các tranh chấp giữa các bên, doanh nghiệp cần quy định chặt chẽ các điều khoản bảo vệ quyền lợi của mình (đặc biệt là điều khoản về cơ quan giải quyết tranh chấp, khiếu nại), tránh các trường hợp bất lợi cho doanh nghiệp khi phát sinh tranh chấp. Các doanh nghiệp cần lưu ý, xem xét và cân nhắc tất cả các biện pháp giúp giảm rủi ro trong kinh doanh xuất nhập khẩu. Từ việc thường xuyên cập nhật thông tin, nâng cao ý thức cảnh giác với những dấu hiệu bất thường, đến việc có thể thuê, sử dụng các công ty tư vấn luật đồng hành với doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp giải quyết các tranh chấp phát sinh.