Doanh nghiệp không lo thiếu đơn hàng, chỉ lo thiếu lao động
15/11/2021Khi sản xuất, lưu thông hàng hóa đang dần phục hồi, lượng đơn hàng về cuối năm không thiếu, nhưng doanh nghiệp lại lo thiếu nguồn lao động.
Hiện nay, số lượng doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao tại TP Hồ Chí Mimh đăng ký hoạt động trở lại tăng hơn 95%, tương đương với số lao động đang làm việc là 76%. Còn số lượng doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp hoạt động trở lại cũng chiếm gần 57%.
Với lô hàng hơn 200 đôi giày, nếu trong điều kiện bình thường Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương Mại và Sản xuất Banuli chỉ cần 7 – 10 ngày là hoàn thành, nhưng thiếu lao động phải mất đến 20 ngày. Doanh nghiệp cho biết, để dây chuyền được hoạt động xuyên suốt, cần tuyển thêm 60% nhân công.
“Thời gian sản xuất kéo dài hơn sẽ ảnh hưởng đến doanh thu. Nghĩa là trong khoảng thời gian mình cần phải sản xuất đạt được số lượng như này, mình phải kéo dài hơn, quy mô đơn hàng mình sẽ giảm đi và việc hỗ trợ cho các đối tác sẽ đợi lâu hơn, khách hàng sẽ lâu hơn”, ông Nguyễn Văn Hoang, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương Mại và Sản xuất Banuli, cho biết.
Công ty may mặc Dony hoạt động trở lại vào đầu tháng 10, đơn hàng về cuối năm tăng 30%, thậm chí có nhiều đơn hàng xuất khẩu có giá trị lớn kéo dài đến tháng 6 năm sau. Doanh nghiệp tính đến phương án mở rộng nhà máy, nhưng lại khó tuyển nhân công mới.
“Trong giai đoạn ngắn sắp tới, chỉ có tình trạng thiếu lao động chứ không thiếu đơn hàng. Vì vậy, chúng tôi tuyển dụng ngắn hạn trên 40 – 50% số lượng nhân công, nhưng lượng tuyển dụng dài hạn chỉ khoảng hơn 10%”, ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty may mặc Dony, cho hay.
Theo khảo sát, một số ngành có tỷ lệ sử dụng lao động cao như ngành gỗ thiếu hụt lao động khoảng 30%. Còn đối với da giày, tỷ lệ này chiếm cao hơn tới 50%. Để giải “cơn khát” lao động phổ thông đến cuối năm, phương án đào tạo nhanh đã được đặt ra.
“Làm việc với Trường Cao đẳng Sở Công thương, làm sao cố gắng đào tạo thật nhanh cho ngành da giày, người lao động có tay nghề. Bởi vì ngành da giày đang cần những người may quai giày, quai dép… Họ sẽ phối hợp đào tạo ngắn hạn, chỉ cần 3 tuần là công nhân, người lao động có tay nghề may vững vàng”, Tổng Thư ký Hội Da giày TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc đào tạo nhanh chỉ đáp ứng dưới 30% nhu cầu của ngành da giày. Trong khi đó, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, trong quý 4, thị trường cần thêm khoảng 50.000 lao động. Dự kiến đầu năm sau, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu sẽ cần khoảng 75.000 lao động, đặc biệt là số lượng đã qua đào tạo.