Hà Nội kiểm tra, dự án ‘ôm’ đất vàng bỏ hoang có bị thu hồi?

30/10/2021

Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội sẽ kiểm tra 4 dự án theo kiến nghị của Đoàn tái giám sát HĐND TP để chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan và báo cáo, đề xuất UBND TP giải quyết xử lý theo quy định.

Liên tục điều chỉnh nới tiến độ

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.

Theo đó, UBND TP giao Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 37/215 dự án chưa khắc phục dứt điểm các vi phạm để kết luận, làm rõ nguyên nhân và đề xuất biện pháp giải quyết triệt để các vi phạm. Trường hợp chủ đầu tư cố tình chây ì tiếp tục vi phạm thì kiên quyết chấm dứt hoạt động dự án hoặc thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, UBND TP chỉ đạo Sở TNMT tiến hành kiểm tra 4 dự án theo kiến nghị của Đoàn tái giám sát HĐND TP để chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan và báo cáo, đề xuất UBND TP giải quyết xử lý theo quy định.

Cụ thể 4 dự án gồm: Dự án Đầu tư xây dựng trụ sở kết hợp văn phòng sinh thái thương mại và khu trưng bày sản phẩm (quận Nam Từ Liêm) của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà; dự án Bãi đỗ xe công cộng Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) của HTX Thống Nhất; dự án Xây dựng trụ sở, văn phòng kết hợp bãi đỗ xe kinh doanh (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) do Công ty CP Bất động sản AIC làm chủ đầu tư và dự án Xây dựng di chuyển, mở rộng cơ sở sản xuất dệt kim và may xuất khẩu (quận Bắc Từ Liêm) của Công ty CP Haprosimex Thăng Long.

Trong đó dự án Xây dựng trụ sở, văn phòng kết hợp bãi đỗ xe kinh doanh (dự án AIC Xuân Đỉnh) của Công ty CP Bất động sản AIC (Công ty AIC) đã được bàn giao đất và ký hợp đồng thuê đất từ tháng 12/2010 và liên tục được điều chỉnh nới tiến độ nhưng đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống gây lãng phí tài nguyên đất.

Dự án AIC Xuân Đình là khu “đất vàng” đối diện Công viên Hòa Bình, đường Đỗ Nhuận. Khu đất có ký hiệu là F1, F2, được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu từ năm 2008 cho Công ty CP đầu tư bất động sản Hà Nội.

Đến năm 2009, UBND TP chấp thuận chủ trương chuyển nhượng dự án từ Công ty CP đầu tư bất động sản Hà Nội sang Công ty AIC.

Năm 2010, UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ nhất, tiến độ dự án được điều chỉnh đến năm 2012.

Năm 2013, UBND TP Hà Nội tiếp tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ hai, tiến độ dự án điều chỉnh đến năm 2015.

Nhà đầu tư được bàn giao đất trên thực địa và ký hợp đồng thuê đất năm 2010, được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 4.065m2, thời gian sử dụng 50 năm.

Ngày 11/6/2019, Sở TNMT Hà Nội có kết luận thanh tra đồng thời kiến nghị UBND TP Hà Nội chấp thuận gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với dự án.

Ngày 18/7/2019 UBND TP Hà Nội đã có quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với dự án và đề nghị chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính, đưa đất vào sử dụng trong thời hạn này.

Gần 1 năm sau, tháng 6/2020, Sở TNMT có thông báo đề nghị Công ty AIC đưa đất vào sử dụng, nhưng không nhận được phản hồi của AIC.

Gần đây nhất, ngày 9/3/2021, Sở TNMT tiếp tục có văn bản đôn đốc (lần 2). Đến ngày 11/3/2021 chủ đầu tư mới có phản hồi và báo cáo đã hoàn thành nộp nghĩa vụ tài chính 3,781 tỷ đồng.

Hiện trạng đến tháng 4/2021 dự án đã xong giải phóng mặt bằng nhưng đang quây tôn và chưa thực hiện triển khai xây dựng.

Đề nghị thu hồi đất nếu không hợp tác với cơ quan Nhà nước

Theo Thường trực HĐND TP, nội dung của kết luận thanh tra Sở TNMT từ năm 2019 chưa được triển khai đầy đủ, dự án vẫn chậm điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư. Theo dự kiến của Đoàn giám sát đến hết thời gian gia hạn sử dụng đất (tháng 7/2021), nếu nhà đầu tư không tích cực triển khai sẽ khó hoàn thành nội dung này.

Tiến độ dự án không chuyển biến sau gần 3 năm HĐND giám sát và hơn 2 năm sau Kết luận thanh tra của Sở. Thậm chí chủ đầu tư – Công ty AIC có dấu hiệu trì hoãn, không thực hiện dự án.

Từ đó, Thường trực HĐND TP đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc khẩn trương thực hiện hướng dẫn nhà đầu tư điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết ô đất F1, F2 theo chỉ đạo của TP. Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch – Đầu tư sớm hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Sở TNMT hậu kiểm thực hiện các kết luận thanh tra của Sở và tham mưu với UBND TP các biện pháp xử lý đối với dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai theo đúng quy định.

“Trường hợp nhà đầu tư chậm trễ trong việc thực hiện, không hợp tác đối với các cơ quan nhà nước, thì đề nghị Sở TNMT phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất” – Thường trực HĐND TP đề nghị.

Có thể thấy, đến nay sau hơn 10 năm giao đất, kỳ vọng về một dự án văn phòng kết hợp lưu trú, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp và bãi đỗ xe kinh doanh nằm ở vị trí đắc địa của quận Bắc Từ Liêm vẫn chỉ nằm trên giấy. 

Gần 20 năm không hoàn thiện thủ tục, tự ý cho thuê đất đai, nhà xưởng

Ngoài dự án trên của AIC, dự án Xây dựng di chuyển, mở rộng cơ sở sản xuất vải dệt kim và may xuất khẩu của Công ty CP Haprosimex Thăng Long (Công ty Haprosimex Thăng Long) cũng là 1 trong 4 dự án UBND TP giao Sở TNMT kiểm tra.

Dự án được UBND TP phê duyệt từ năm 2001, thời gian thực hiện từ 2001-2002. Cũng như dự án AIC Xuân Đỉnh, dự án này cũng liên tục được điều chỉnh tiến độ.

Năm 2006, dự án được phê duyệt điều chỉnh đến hết năm 2007. Sau đó, tiếp tục được điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2011. Nhà đầu tư đã được bàn giao đất, ký hợp đồng thuê 8.349m2 từ năm 2002 với thời hạn cho thuê đất là 20 năm, trả tiền thuê đất hàng năm.

Dự án thuộc danh mục dự án chậm triển khai UBND quận Bắc Từ Liêm đã báo cáo Đoàn giám sát của HĐND TP năm 2018.

Năm 2019, tại kết luận thanh tra của Sở TNMT, Sở đề nghị nhà đầu tư chấm dứt hành vi tự ý cho thuê tài sản gắn liền với đất khi chưa đuọc cấp phép, trường hợp không thực hiện sẽ bị xử lý thu hồi.

Tuy nhiên, hiện trạng dự án đến tháng 4/2021, theo kiểm tra thực địa trực tiếp của Đoàn giám sát dự án có 1 khối nhà bê tông 3 tầng diện tích khoảng 400m2; 1 công trình 3 tầng diện tích sàn xây dựng hơn 3.100m2 Công ty TNHH kinh doanh ô tô NISU đang sử dụng làm showroom ô tô Nissan theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Haprosimex Thăng Long; Riêng tầng 1 có 03 phòng làm việc của cty cổ phần Haprosimex Thăng Long, diện tích khoảng 300m2. 1 nhà xưởng sản xuất của công ty; 1 nhà kho; 1 khối nhà bê tông cho thuê kinh doanh văn phòng phẩm. Hiện nhà đầu tư vẫn đang tiếp tục tự ý cho thuê tài sản gắn liền với đất được nhà nước cho thuê, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Kết quả rà soát hồ sơ liên quan cho thấy, nhà đầu tư chưa liên hệ với UBND quận Bắc Từ Liêm để tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư với diện tích hơn 2.800m2 đất theo quy định.

Đáng chú ý, mặc dù đã bị xử phạt 15 triệu đồng về hành vi tự ý cho thuê tài sản khi chưa được cấp phép từ năm 2019 nhưng đến nay Công ty Haprosimex vẫn tiếp tục hành vi này.

“Như vậy, nội dung của kết luận thanh tra Sở TNMT chưa được triển khai đầy đủ, tiến độ dự án không có chuyển biến sau gần 3 năm HĐND giám sát và gần 2 năm sau kết luận thanh tra của Sở, chủ đầu tư không liên hệ cơ quan nhà nước, có dấu hiệu trì hoãn, không thực hiện dự án” – Thường trực HĐND TP nêu.

Từ thực tế trên, Thường trực HĐND TP đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở TNMT hậu kiểm thực hiện các kết luận thanh tra của Sở; xem xét có chế tài xử lý nghiêm đối với việc không thực hiện kết luận thanh tra, không hợp tác với cơ quan chức năng, có hành vi cố ý vi phạm và không triển khai dự án theo đúng tiến độ được phê duyệt.

Đồng thời tham mưu với UBND TP các biện pháp xử lý theo đúng quy định.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.