Khách vay mua nhà than lãi suất chỉ giảm “trên tivi”

10/09/2021

 Người vay mua nhà phản ánh chưa nhận được hỗ trợ của ngân hàng hoặc mức hỗ trợ không đáng kể so với khoản vay lớn, kéo dài hàng chục năm.

Lãi suất cho khách hàng cá nhân hầu như không giảm 

Năm 2018, chị Ngọc Ngân vay ngân hàng V. hơn một tỷ đồng, lãi suất 11%/năm, để mua một căn nhà tại Bình Thạnh (TPHCM). Mỗi tháng phải trả ngân hàng khoảng 15 triệu đồng, chị Ngân cho biết luôn trả nợ đúng hạn, ngay cả trong hơn một năm chịu tác động của Covid-19. Nhưng khi dịch bùng phát lần thứ 4 vào đầu tháng 5 năm nay, tài chính của gia đình chị Ngân bắt đầu gặp khó khăn khi lương bị cắt giảm đến 30%.

Mới đây, nhân viên ngân hàng thông báo khoản vay của chị được duyệt hỗ trợ 0,5%/năm, bắt đầu áp dụng từ 25/9. Nhưng mức giảm này chỉ tương đương 600.000 đồng/tháng, không đáng kể so với mức hàng tháng chị đang phải trả góp. “Ngân hàng cũng không nói rõ sẽ áp dụng trong bao lâu. Với tình hình thu nhập bấp bênh như hiện nay, tôi đang lo không xoay xở kịp thì khoản vay sẽ bị chuyển thành nợ xấu”, chị Ngân chia sẻ.

Tuy nhiên, chị Ngân vẫn còn may mắn so với nhiều trường hợp chưa được tiếp cận với chính sách giảm/giãn nợ. Theo khảo sát của phóng viên, một số người vay mua nhà đã được thông báo giảm lãi suất 0,5-1%/năm. Nhưng cũng không ít người chỉ biết đến giảm lãi suất “trên tivi”. Họ cho biết đã chủ động gọi cho nhà băng để hỏi về chính sách hỗ trợ nhưng được trả lời chưa có thông báo hoặc đang chờ ý kiến lãnh đạo. Một số người vay thì không đáp ứng đủ điều kiện dù ngân hàng đã có chính sách.

Chẳng hạn như trường hợp chị Hoài Thương vay ngân hàng T. 2,7 tỷ đồng từ cách đây 1,5 năm với lãi suất 10,5%/năm. Khi chị gọi hỏi về chính sách hỗ trợ thì được nhân viên cho biết khoản vay không được giảm lãi suất do hồ sơ đã cũ.

Khách vay mua nhà than lãi suất chỉ giảm trên tivi - 1
Một số khách vay mua nhà vẫn không được giảm lãi suất cho vay (Ảnh minh họa).

Chị Minh Xuân cũng đang vay mua đất tại ngân hàng S. với lãi suất ưu đãi 8,59%/năm, cố định trong 3 năm. Tiền trả nợ ngân hàng được trích từ việc kinh doanh quán cà phê. Quán phải đóng cửa từ 3 tháng nay nhưng ngân hàng từ chối giảm nợ cho chị, với lý do người vay không chứng minh được thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

“Hầu như ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên chỉ mong phía ngân hàng duyệt hỗ trợ dễ dàng hơn. Như việc kinh doanh quán cà phê của mình, đóng cửa là chuyện chả cần bàn cãi nữa mà họ lại lấy lý do đó để từ chối”, chị Xuân cho biết.

Một trường hợp khác là anh Thành Trung, phải vay ngân hàng M. 1,6 tỷ đồng để mua một căn hộ ở quận 9, TPHCM. Anh đang góp tầm 20 triệu đồng/tháng cho khoản vay kéo dài 20 năm và lãi suất 12,1%/năm. Mức trả góp hàng tháng này ngày càng vượt quá khả năng chi trả khi anh gần như không còn thu nhập từ 3 tháng nay.

Gần đây, một nhân viên ngân hàng M. đã gọi tư vấn hỗ trợ giảm 1% lãi suất, với điều kiện anh phải mua gói bảo hiểm khoản vay trị giá 50 triệu đồng. Không đồng ý với yêu cầu này, anh đã gọi cho ngân hàng để phản ánh và đang chờ câu trả lời hợp lý.

“Đang lúc thu nhập người ta khó khăn lại yêu cầu bỏ ra 50 triệu đồng để mua bảo hiểm, thì còn giảm lãi suất làm gì?”, anh bức xúc nói.

“Nắm kẻ có tóc?”

Ông Trần Minh Hoàng – Phó Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam – cho biết, rất đông người mua nhà hiện nay có vay vốn ngân hàng. Những người này thường căn cứ vào thu nhập hàng tháng để quyết định tỷ lệ sử dụng đòn bẩy, sao cho đủ khả năng cân đối tài chính hàng tháng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 có thể được xem là một tình huống bất khả kháng, khiến họ rơi vào khó khăn không lường trước được. Thu nhập không ít người vay bị ảnh hưởng nghiêm trọng do cắt giảm lương hoặc thất nghiệp.

Nhóm này không được ngân hàng hỗ trợ tốt, theo ông là do dư nợ của họ được đánh giá là tương đối an toàn hơn so với những đối tượng khác. Khoản vay mua nhà thường có tài sản thế chấp và các nhà băng có thể siết nợ nếu người vay mất khả năng chi trả. Ngược lại, nhóm vay tín chấp không có tài sản đảm bảo thì các tổ chức tín dụng phải ưu tiên hỗ trợ để tránh nguy cơ mất vốn.

Ngoài ra, một số quan điểm cho rằng người vay mua bất động sản là tầng lớp trung lưu, có thu nhập cao và tài sản tích lũy, không phải nhóm ưu tiên hỗ trợ trong bối cảnh cả nền kinh tế đều gặp khó khăn. Nhưng theo ông Hoàng, nhóm này đóng vai trò là động lực phát triển của xã hội và việc hỗ trợ họ không “hao tốn” quá nhiều nguồn lực của nền kinh tế.

Theo ông, lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện hữu trung bình là 9-10%/năm, cao hơn nhiều so với lãi vay mua nhà 3-4%/năm tại các nước phát triển. Ông đề xuất giảm lãi suất về mức khoảng 7%/năm, cao hơn một chút so với lãi suất huy động hiện nay. Với mức này, các tổ chức tín dụng đã có thể hỗ trợ cho người đi vay nhưng vẫn có lợi nhuận. Hơn nữa, việc giảm/giãn nợ trong vài tháng không đáng kể so với thời hạn vay vốn lên đến 15-20 năm hiện nay.

“Giữa lúc ghi nhận lợi nhuận khá cao hiện nay, việc giảm thêm một chút lãi suất hoặc giãn thời gian thanh toán hoàn toàn nằm trong khả năng của hệ thống ngân hàng. Nhưng nếu để người vay mua nhà mất khả năng thanh toán, nợ xấu tăng lên dẫn đến sụp đổ tầng lớp trung lưu thì hệ quả sẽ rất lớn, có thể ảnh hưởng chung đến cả nền kinh tế”, đại diện Hội Môi giới Bất động sản chia sẻ.

Trong văn bản gửi Bộ Xây dựng mới đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ  giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm cho các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư và khách hàng vay mua nhà. 

Ngân hàng có thể tính đến giãn, hoãn nợ

Thực tế, từ đầu năm 2020 tới nay, ngành ngân hàng đã có một số chính sách, biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân như miễn giảm lãi, phí; cơ cấu lại thời hạn trả nợ… Mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp nhất trong 20 năm qua. 

Đến tháng 7 vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ toàn hệ thống) giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Nhiều ngân hàng (BIDV, Vietcombank, MB, Agribank, TPBank, ACB, HDBank, Sacombank…) đồng loạt công bố giảm lãi suất đối với cả dư nợ hiện hữu và cho vay mới từ 0,5-1% đối với khách hàng cá nhân và 1-2% đối với khách hàng doanh nghiệp, tập trung vào những ngành, lĩnh vực hoặc đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19.

Khách vay mua nhà than lãi suất chỉ giảm trên tivi - 2
Chuyên gia cho rằng ngân hàng khó mà có thể hỗ trợ lãi suất cho tất cả. Song với khách hàng cá nhân, các ngân hàng có thể tính đến phương án giãn, hoãn trả nợ (Ảnh minh họa).

Theo tính toán của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tính từ đầu năm 2020 đến tháng 7/2021, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 1,4 triệu khách hàng có dư nợ hiện hữu, với số tiền hỗ trợ ước tính là 18.800 tỷ đồng. Nếu tính cả số tiền phát sinh từ việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay mới, miễn/giảm phí, ủng hộ phòng chống dịch Covid-19… viện này ước tính ngành ngân hàng sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế khoảng 62.200 tỷ đồng trong năm 2021, tương đương gần 30% lợi nhuận dự kiến của cả ngành. 

TS. Cấn Văn Lực – Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV – cho rằng, đây đã là nỗ lực lớn của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh các tổ chức tín dụng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức trong hoạt động không khác gì các doanh nghiệp còn lại của nền kinh tế. Theo ông, không thể nhìn vào mức lợi nhuận cao mà các ngân hàng công bố gần đây để đòi hỏi một mức hỗ trợ cao hơn cho người vay, bởi các con số này sẽ thay đổi rất nhiều trong thời gian tới. 

“Lãi suất cho vay khó có thể giảm sâu và giảm nhiều quá trong khi lãi suất tiền gửi không giảm tương ứng. Ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, tác động của dịch bệnh đối với hệ thống ngân hàng còn có độ trễ, nợ xấu đang tăng. Từ nay đến cuối năm và năm tới sẽ khó khăn cho hệ thống ngân hàng”, ông Lực chia sẻ.

Trên góc nhìn của chuyên gia kinh tế – tài chính, ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế Ứng dụng cũng cho rằng ngân hàng không thể hỗ trợ cho tất cả. Ưu tiên của các tổ chức tín dụng hiện nay là hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm duy trì hoạt động kinh tế, giữ việc làm, có ý nghĩa và tác động lớn hơn là hỗ trợ mang tính cá nhân.

“Ngân hàng cũng có những khó khăn riêng của mình, nếu giảm/hoãn nợ nhiều quá sẽ làm giảm dòng tiền đi vào trong khi dòng tiền đi ra vẫn đều đặn. Các nhà băng phải ‘lờ’ đi nhóm khách hàng cá nhân vì tin rằng họ còn xoay xở được”, ông nói.

Theo ông, giải pháp tốt nhất và khả thi trước mắt là ngân hàng giãn trả nợ 3-6 tháng để người mua không chịu áp lực trả nợ trong giai đoạn này. Sau khi hết thời gian giãn cách, tùy thuộc vào tình hình mà ngân hàng và người vay có thể thỏa thuận tiếp phương án để tháo gỡ khó khăn.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.