Kinh tế Việt Nam khởi sắc sau 9 tháng đầu năm 2022

24/10/2022

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Chính Phủ kiên định với chính sách “Sống chung an toàn, linh hoạt với Covid-19”. Chính vì thế, nền kinh tế được mở cửa, các hoạt động kinh tế trên hầu hết các lĩnh vực ở Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022 phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng. Đặc biệt theo dự báo của các chuyên gia năm 2023 nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước.

Tình hình kinh tế 9 tháng năm 2022 có nhiều khởi sắc

Trong 9 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, lạm phát toàn cầu tăng và vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ trạng thái tăng trưởng trong cả năm 2022.

Thứ nhất, tình hình dịch bệnh kiểm soát tốt, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phục hồi, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố bất ổn, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi, ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một số nghị quyết có tác động lớn đến nền kinh tế như: Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc Hội, Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội 2022-2023; đặc biệt gần đây là Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững,….

Thứ hai, GDP quý III đạt 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng quý III cao nhất từ năm 2010 đến nay; cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Nhìn chung 9 tháng đầu năm, GDP tăng 8,83% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 6,98% cùng kỳ năm 2021 và cao hơn mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết 01/2022 (5,9-6,4%).

Thứ ba, lạm phát trong tầm kiểm soát. CPI bình quân 9 tháng đầu năm tăng 2,73%, chủ yếu do tác động của giá 3 nhóm hàng hóa – dịch vụ là giao thông tăng 14,98%, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,69%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,11%.

Thứ tư, xuất, nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 558,5 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 17,3% và nhập khẩu tăng 15,3%, giúp cán cân thương mại thặng dư 6,5 tỷ USD, hỗ trợ ổn định tỷ giá và thúc đẩy tăng trưởng (về phía cầu).
Thứ năm, giải ngân vốn FDI khả quan. Lũy kế đến hết ngày 20/9/2022, mặc dù tổng vốn FDI đăng ký giảm 15,3% (đạt 18,8 tỷ USD); giải ngân vốn FDI đạt 15,4 tỷ USD, tăng mạnh 16,2% – là mức cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và các cân đối vĩ mô khác.

Thứ sáu, thu ngân sách tăng mạnh nhờ kinh tế hồi phục song chưa thực sự bền vững; hết 9 tháng đầu năm, thu NSNN đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Chi NSNN đạt 1.086,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Thứ bảy, lãi suất và tỷ giá tăng xong vẫn trong tầm kiểm soát. Lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng trong 9 tháng đầu năm, với lãi suất huy động tăng 1-1,5% so với đầu năm và lãi suất cho vay tăng chậm và ít hơn. NHNN cũng đã điều chỉnh tăng 1% đối với lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động ngắn hạn. Đồng thời, tỷ giá liên ngân hàng tăng khoảng 4,7% khi giá trị đồng USD đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm (tăng khoảng 18% kể từ đầu năm 2022) khi FED liên tiếp tăng lãi suất để đối phó lạm phát.

Thứ tám, hoạt động doanh nghiệp có nhiều khởi sắc. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng lần lượt 31,9% và 56,1%; cho thấy doanh nghiệp tiếp tục phục hồi tốt sau dịch bệnh.

Thứ chín, các tổ chức quốc tế đánh giá cao nỗ lực phục hồi, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam.

Khó khăn và thách thức lớn với nền kinh tế

Mặc dù tình hình kinh tế tăng trưởng nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Một là, rủi ro, thách thức từ bên ngoài tăng lên. Mặc dù, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng nguy cơ dịch bệnh mới xâm nhập là rất lớn. NHTW các nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, khiến áp lực lãi suất, tỷ giá, rủi ro nghĩa vụ nợ gia tăng; Trung Quốc áp dụng chính sách zero-Covid từ đầu năm đến nay, có thể chỉ mở cửa trở lại dần dần từ đầu tháng 11/2022, nên tăng trưởng chậm lại, chuỗi cung ứng toàn cầu còn gián đoạn; nguy cơ khủng hoảng năng lượng, lương thực ở mức cao.

Hai là, một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội 2022-2023 triển khai còn chậm.

Ba là, giải ngân đầu tư công có cải thiện xong vẫn còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Tổng mức giải ngân 9 tháng đầu năm 2022 đạt 334,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên mới đạt 46,7% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao; đòi hỏi phải quyết liệt, nghiêm túc thực hiện các chỉ thị về vấn đề này của Chính phủ trong thời gian tới.

Bốn là, rủi ro lãi suất, tỷ giá và dòng tiền đối với doanh nghiệp đang gia tăng. FED và nhiều NHTW tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát, khiến mặt bằng lãi suất toàn cầu tiếp tục tăng, tạo áp lực tỷ giá tăng

Năm là, nợ xấu tiềm ẩn có thể gia tăng. Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 7/2022 ở mức 1,7%, nợ xấu gộp khoảng 5,41%, giảm so với mức 6,3% tại thời điểm cuối năm 2021 song vẫn ở mức cao. Nguyên nhân chủ yếu do kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, rủi ro suy giảm, thậm chí suy thoái cục bộ như nêu trên, tác động tiêu cực đến xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam, cùng với rủi ro lãi suất, tỷ giá và dòng tiền gia tăng…

Dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2022 và 2023

Dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2022 và 2023

Về tăng trưởng GDP

Năm 2022, kinh tế Việt Nam đang phục hồi và tăng trưởng GDP cả năm 2022 dự báo có thể đạt 7,9-8,1% (kịch bản cơ sở); thậm chí nhiều khả năng có thể đạt 8,3-8,5% (kịch bản tích cực). Ngược lại, trong kịch bản tiêu cực, nếu rủi ro bên ngoài gia tăng và tác động tiêu cực hơn, khi đó kinh tế Việt Nam năm 2022 dự báo tăng trưởng khoảng 7,5-7,8%. Với năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái cục bộ và so với mức nền cao của năm 2022, dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng chậm lại, khoảng 6-6,5%.

Về lạm phát

CPI bình quân 2022 dự báo ở mức 3,5-3,8% khi giá cả trong nước tăng chậm hơn so với thế giới và Việt Nam kiểm soát khá tốt lạm phát. Tính đến áp lực lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao (CPI toàn cầu dù đã qua đỉnh ở một số quốc gia, dự báo tăng khoảng 6% năm 2023, giảm từ mức 8,3% năm 2022); nguy cơ “đình lạm” ở một số quốc gia, rủi ro an ninh lương thực và năng lượng vẫn hiện hữu, cộng với độ trễ cung tiền từ cuối năm 2022, CPI bình quân của Việt Nam sẽ còn tăng cao trong năm 2023 (4-4,5%), trước khi trở quỹ đạo khoảng 3,5-4% từ năm 2024.

Tham khảo: Nhịp sống kinh tế