Năm 2020, xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 35,2 tỷ USD, giảm 10,9%
23/03/2021Theo số liệu thống kê sơ bộ, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam tháng 12/2020 ước đạt 3,08 tỷ USD, tăng 9,74% so với tháng 11/2020 và giảm 13,40% so với tháng 12 năm 2019. Tính chung năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam ước đạt 35,29 tỷ USD, giảm 10,91% so với năm 2019. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam năm 2020 giảm mạnh so với năm 2019, nhưng vẫn khả quan khi kết quả xuất khẩu chỉ giảm 10,9%, thấp hơn nhiều so với dự đoán giảm 15% trong các dự báo hồi tháng 6/2020.
Trong đó tình hình xuất khẩu một số mặt hàng cụ thể như sau:
+ Xuất khẩu hàng xơ, sợi dệt tháng 12/2020 ước đạt 386 triệu USD tăng 4,65% so với tháng 11/2020 và tăng 3,25% so với tháng 12/2019. Lũy kế cả năm 2020, xuất khẩu mặt hàng này ước đạt 3,69 tỷ USD, giảm 11,43% so với năm 2019. Xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2020 giảm 478 triệu USD so với năm 2019, bằng 11,05% phần kim ngạch xuất khẩu toàn ngành giảm.
+ Xuất khẩu hàng may mặc trong tháng 12/2020 ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 11,55% so với tháng 11/2020 và giảm 15,63% so với tháng 12/2019. Tính chung cả năm 2020, xuất khẩu hàng may mặc ước đạt 29,47 tỷ USD, giảm 10,22% so với năm 2019. Phần kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc giảm chiếm 77,61% trong tổng kim ngạch giảm của toàn ngành.
+ Xuất khẩu vải kỹ thuật của Việt Nam năm 2020 ước đạt 447 triệu USD, giảm 24,1% so với năm 2019.
+ Xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 1,66 tỷ USD, giảm 17,28% so với năm 2019.
Sang năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức do tình hình dịch bệnh trên toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt số ca bệnh Covid-19 đang bùng phát tại Anh và Hàn Quốc làm cho quá trình kiểm soát dịch bệnh, hồi phục kinh tế toàn cầu kéo dài. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp cũng như sự vào cuộc từ Chính phủ tới các cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ xuất khẩu, giảm thiểu những khó khăn và phát huy những ưu thế của ngành, triển vọng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sẽ khả quan. Nhận định được đưa ra dựa vào một số căn cứ sau:
Mặc dù đối mặt với khó khăn chưa từng có trong lịch sử – dịch Covid-19, ngành dệt may Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm.
Đó là tại thời điểm bùng phát dịch Covid-19, Trung Quốc không chỉ giảm tổng lượng xuất khẩu (lên tới 50% với một số mặt hàng) mà mức giá cũng giảm sâu nhất (20%). Trong khi đó, hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là mặt hàng khó may, có giá trị cao, nhờ vậy mà vẫn giữ giá và mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ. Vào tháng 6/2020, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất hàng may mặc vào Mỹ, vị trí mà Trung Quốc chiếm giữ nhiều năm nay.
Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Việt Nam chiếm trên 20% thị phần hàng may mặc vào Mỹ, mặc dù xét về tổng giá trị, xuất khẩu may mặc trong nửa đầu 2020 vẫn chưa đạt mức của năm 2019. Một trong những nguyên nhân là việc các nhãn hàng may mặc đã và đang chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc.
Ở thị trường châu Âu, hiện tại Việt Nam mới chiếm gần 4% thị phần. Với hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, dự báo xuất khẩu dệt may tăng 67% vào 2025. Các doanh nghiệp đã bắt đầu một số điều chỉnh mang tính chiến lược trong thời gian 1-3 năm tới. Có tới 55,7% doanh nghiệp dự định thúc đẩy tự động hóa, 49,8% sẽ phát triển sản phẩm mới, 39,9% sẽ đa dạng hơn nữa sản phẩm và 41,5% sẽ đầu tư nâng cao kĩ năng lao động.
Như vậy, về dài hạn cơ hội mở rộng thị trường cho hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn. Với những nỗ lực vượt khó trong năm 2020, kỳ vọng doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam tiếp tục thành công trong năm 2021.