Rao bán nhà hàng loạt ở phố “kim cương” Hà Nội, lộ lời lãi đại gia địa ốc
09/09/2021Lời lãi “đại gia” bất động sản: Bên ăn không hết, bên lần chẳng ra; La liệt rao bán ở khu phố đất “kim cương”, giá mùa dịch vẫn cả tỷ đồng/m2… là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Lời lãi “đại gia” bất động sản: Bên ăn không hết, bên lần chẳng ra
Nhìn vào thị trường bất động sản nửa đầu năm nay có thể thấy một loạt đại gia ghi nhận doanh thu, lợi nhuận tăng đột biến. Thậm chí, một số doanh nghiệp lợi nhuận tăng đột biến, gấp 7-12 lần so với cùng kỳ.
Cá biệt, một số doanh nghiệp kỳ năm ngoái vẫn lỗ đậm nhưng năm nay thì báo lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, màu hồng không phủ bóng toàn bộ bức tranh kinh doanh của nhóm ngành bất động sản. Sự phân hóa diễn ra tương đối mạnh mẽ khi không ít đại gia báo lãi tăng kinh ngạc, đột biến thì không ít doanh nghiệp vật vờ vì “hụt hơi”. Một số doanh nghiệp năm ngoái vẫn còn lãi, năm nay bất ngờ báo lỗ đậm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm nay, đơn cử như Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn báo lợi nhuận âm 4,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi cả trăm tỷ đồng…
La liệt rao bán ở khu phố đất “kim cương”, giá mùa dịch vẫn cả tỷ đồng/m2
Theo khảo sát của phóng viên, trên các diễn đàn nhà đất hiện nay la liệt thông tin rao bán nhà phố khu vực Hoàn Kiếm, nơi vốn được ví như đất kim cương của Hà Nội.
Đáng chú ý, có một căn nhà ở lô góc phố Trần Quang Khải, phường Lý Thái Tổ đang được rao với giá 1,3 tỷ đồng/m2. Giá hạ nhiệt hơn một chút, một căn nhà phố Bà Triệu được rao 250 tỷ đồng cho diện tích 290 m2. Căn nhà phố này được xây dựng 10 tầng, có mặt tiền 9 m, cách hồ Hoàn Kiếm 200 m. Chủ nhà cho biết đây là mức giá thỏa thuận trực tiếp, miễn các khâu trung gian.
Một số môi giới lâu năm ở khu vực này nhận xét, việc rao bán nhiều như vậy trước nay không hề có. Trước đây, khi dịch Covid-19 xảy ra, việc rao bán cực kỳ ít bởi lợi nhuận cho thuê cũng đã rất tốt, chủ nhà nếu không vì “vỡ trận” tài chính thì ít khi bán, ngay cả khách đi tìm thuê mặt bằng cũng thấy vô cùng khó. Nhưng Covid-19 ập đến đã thay đổi mọi thứ.
Giá mặt bằng hạ nhiệt, đại gia bất ngờ “vung” tiền gom vị trí “vàng” Hà Nội
Bà Hoàng Nguyệt Minh – Giám đốc Cho thuê thương mại Savills Hà Nội – cho biết, tình hình Covid-19 từ năm ngoái cho đến 6 tháng đầu năm nay đã khiến nhiều chủ đầu tư trì hoãn việc khai trương các trung tâm thương mại mới.
Thực tế, thị trường đã không đón nhận thêm nguồn cung mặt bằng trung tâm thương mại mới. Tuy vậy, đến năm 2023, thị trường sẽ đón thêm nguồn cung và đa phần là những trung tâm thương mại được đầu tư bài bản.
Sự kéo dài của dịch đã làm giảm số lượng khách, các trung tâm bán lẻ cũng đồng thời sửa chữa và cải tạo khu vực kinh doanh, dẫn tới sự gia tăng diện tích trống, kéo công suất thuê giảm 2% điểm theo quý, đạt 93% vào quý II năm nay.
“Các nhãn hàng đang hoạt động tại Hà Nội dự định chờ tới khi tình hình dịch được cải thiện và việc triển khai vắc xin để tiếp tục kế hoạch mở rộng mặt bằng. Tuy nhiên, vẫn có một số nhãn hàng mới, chưa xuất hiện tại Hà Nội, đang tận dụng thời điểm giá thuê bắt đầu giảm nhiệt, để tìm kiếm những vị trí đắc địa hơn cho cửa hàng đầu tiên của họ” – bà Minh nói.
Phú Quốc cho tách thửa trở lại, “sốt” đất liệu có tái diễn?
Nhận định về việc Phú Quốc cho phép tách thửa trở lại, bà Ngô Thị Phương Thảo – Trưởng Bộ môn, Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) – cho biết, đây là một cách để nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường. Chính sách này cũng giải quyết vấn đề cho các nhà đầu tư chuyển nhượng lô đất nhỏ. Thị trường với nhiều đối tượng tham gia sẽ sôi động và có thể tăng giá một đợt, sau khi dịch được kiểm soát. Điều này cũng sẽ kích thích các nhà đầu tư nội vào kinh doanh các lĩnh vực khác ngoài du lịch.
Tuy nhiên, trong dài hạn bà Thảo cho rằng Phú Quốc được quy hoạch trở thành trung tâm tài chính – du lịch mang tầm cỡ quốc tế. Nếu có kênh đào đi qua Malaysia và Thái Lan thì Phú Quốc sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Do đó, địa phương này cần xây dựng quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư nước ngoài có tầm cỡ.
“Nếu tách thửa ồ ạt trở lại có thể băm nát quy hoạch của Phú Quốc, lợi ích cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng. Vì các nhà đầu tư khi tham gia vào hòn đảo này sẽ tìm kiếm những khu đất có diện tích lớn để làm du lịch. Nếu làm không tốt, du lịch Phú Quốc sẽ trở nên manh mún” – bà Thảo khẳng định.
Bán nhà đất mua căn hộ cũ nội đô, hối hận ở không xong bán không được
Tháng 2/2017, vợ chồng anh Hùng thống nhất bán căn nhà đất giá 1,3 tỷ đồng để mua căn nhà căn tập thể cũ ở khu Đống Đa, Hà Nội. Căn anh chị mua nằm ở tầng 5 là tầng áp mái, diện tích thực tế trên sổ đỏ là 28 m2, diện tích sử dụng là 60 m2 do chủ cũ cơi nới đua chuồng cọp ra cả mặt trước và mặt sau với giá 1,7 tỷ đồng. Thiếu 400 triệu đồng, anh chị vay anh em trong nhà.
Tuy nhiên, anh Hùng cho hay, khi dọn về ở rồi mới nhận ra có quá nhiều bất cập, bởi khu tập thể cũ vốn không có dịch vụ, không bảo vệ, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy cũng không có chỗ gửi xe. Anh chị phải gửi xe ở một tòa nhà khác, mỗi ngày đi làm đều phải đi bộ một đoạn xa mới lấy được xe nên rất bất tiện. Đặc biệt, căn xuống cấp mỗi ngày.
“Sau hơn năm về ở, tường nhà mình bị nứt rất nhiều. Trần nhà còn thấm nước dột các góc. Mỗi lần mưa to gió lớn, vợ chồng mình lại phải mang thau chậu vào hứng nước. Nền nhà cũng bị lún nhiều chỗ. Mình thuê thợ sửa nhiều lần song chỉ được một thời gian là lại hỏng” – anh Hùng bày tỏ.