Thị trường ngày 01/6: Giá dầu lên gần 70 USD/thùng, giá vàng, bạc, thép, quặng sắt đồng loạt tăng cao
01/06/2021Hoạt động giao dịch trầm lắng khi thị trường Mỹ và Anh đóng cửa cho ngày nghỉ lễ. Chốt phiên giao dịch ngày 31/5, giá dầu chạm ngưỡng gần 70 USD/thùng, vàng, palađi, bạc, đồng, sắt và thép đồng loạt tăng, trong khi cao su thấp nhất hơn 1 tuần.
Giá dầu chạm ngưỡng gần 70 USD/thùng
Giá dầu tăng, với dầu Brent chạm ngưỡng gần 70 USD/thùng do gia tăng lạc quan nhu cầu nhiên liệu sẽ tăng trong quý tới, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi các nhà sản xuất sẽ phản ứng như thế nào tại cuộc họp OPEC+ vào tuần này.
Chốt phiên giao dịch ngày 31/5, dầu thô Brent tăng 60 US cent tương đương 0,9% lên 69,32 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 69,82 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 0,9% lên 66,91 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều có tháng tăng thứ 2 liên tiếp.
Các nhà phân tích dự kiến nhu cầu dầu sẽ vượt cung, bất chấp khả năng xuất khẩu dầu thô và sản phẩm ngưng tụ của Iran có thể trở lại.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga họp vào ngày thứ ba (1/6), dự kiến sẽ thực hiện kế hoạch nới lỏng dần việc cắt giảm nguồn cung đến tháng 7/2021.
Giá vàng, palađi và bạc đều tăng
Giá vàng tăng và có tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2020, do đồng USD có tháng giảm thứ 2 liên tiếp cùng với áp lực lạm phát gia tăng đã hỗ trợ giá vàng.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,3% lên 1.907,9 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn New York tăng 0,2% lên 1.909,5 USD/ounce. Tính chung cả tháng, giá vàng giao ngay tăng gần 7,9%.
Đồng USD có tháng giảm thứ 2 liên tiếp và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 1,593%, đã làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ vàng thỏi.
Giá palađi tăng 0,2% lên 2.832,35 USD/ounce, song có tháng giảm đầu tiên trong 4 tháng.
Giá bạc tăng 0,6% lên 28,05 USD/ounce và có tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2020.
Giá đồng tại Thượng Hải tăng
Giá đồng tại Thượng Hải có tháng tăng thứ 2 liên tiếp, do mối đe dọa nguồn cung tiềm năng tại Chile và các kế hoạch chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng tại Mỹ.
Giá đồng kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 0,9% lên 73.950 CNY (11.617,68 USD)/tấn. Tính chung cả tháng, giá đồng tăng 2,1%.
Giá thép và quặng sắt đều tăng
Giá thép cây và thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc tăng, sau khi giảm mạnh trong vài tuần qua khi chính phủ cam kết bình ổn giá hàng hóa, song giá thép vẫn có tháng giảm đầu tiên trong 4 tháng.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 tăng 2,5% lên 5.027 CNY (789,96 USD)/tấn. Tính chung trong tháng 5/2021, giá thép cây giảm 6,8%. Giá thép cuộn cán nóng tăng 1,3% lên 5.354 CNY/tấn, tính chung cả tháng giá thép cuộn cán nóng giảm 5,9%. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 2,7% lên 15.750 CNY/tấn.
Trong 12 ngày đầu tháng 5/2021, giá thép cây và thép cuộn cán nóng tăng 14,5% và 17,5% theo thứ tự lần lượt, trước khi giảm hơn 24% trong 2 tuần sau đó.
Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên tăng 4,53% lên 1.106 CNY/tấn.
Giá cao su thấp nhất hơn 1 tuần
Giá cao su tại Nhật Bản chạm mức thấp nhất hơn 1 tuần, do thị trường cao su tại Thượng Hải và chứng khoán Tokyo suy yếu, trong khi số liệu hoạt động nhà máy tại nước mua hàng đầu – Trung Quốc – suy giảm, làm dấy lên mối lo ngại về nhu cầu giảm.
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn Osaka giảm 8,6 JPY tương đương 3,4% xuống 245,7 JPY (2,2 USD)/kg. Trong đầu phiên giao dịch giá cao su chạm mức thấp nhất kể từ ngày 20/5/2021 (244,4 JPY/kg). Tuy nhiên, tính chung cả tháng, giá cao su tăng 0,3%.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 340 CNY xuống 13.400 CNY (2.103 USD)/tấn.
Hoạt động nhà máy tại Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong tháng 5/2021, do chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ, đè nặng lên sản lượng của các doanh nghiệp nhỏ và định hướng xuất khẩu.
Giá dầu cọ giảm 2%
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm 2% do tốc độ xuất khẩu chậm lại và Indonesia nâng thuế xuất khẩu trong tháng 6/2021, cùng với việc Malaysia đóng cửa trên toàn quốc cũng ảnh hưởng đến xu hướng thị trường.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn Bursa Malaysia giảm 91 ringgit tương đương 2,27% xuống 3.919 ringgit (950,75 USD)/tấn – phiên giảm thứ 2 liên tiếp trong 3 phiên.
Trong phiên có lúc giá dầu cọ giảm 3,4%, sau khi một quan chức của chính phủ Indonesia cho biết nước này sẽ thiết lập giá tham chiếu dầu cọ thô tăng cao trong tháng 6/2021 ở mức 1.223,9 USD/tấn. Điều đó có nghĩa là, thuế xuất khẩu dầu cọ thô trong tháng 6/2021 của Indonesia sẽ tăng 183 USD/tấn, trong khi thuế xuất khẩu dầu thực vật không thay đổi ở mức 255 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 01/6