Bài toán đầu tư bất động sản biển
14/10/2020Là một cấu phần quan trọng trong nền kinh tế biển, bất động sản biển những năm qua đã phát triển rất mạnh với đa dạng các loại hình sản phẩm và quy mô dự án ngày càng lớn.
Những lực đẩy cần thiết
Phát biểu khai mạc Hội thảo “Sức hút đô thị Biển” do Báo Đầu tư tổ chức, diễn ra vào sáng 14/10/2020, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, ông Lê Trọng Minh cho biết, hiện nay, quy mô nền kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 47 – 48% GDP cả nước và theo mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sẽ chiếm 65- 70% GDP cả nước. Đặc biệt, theo Nghị quyết 26/NQ-CP được Chính phủ ban hành năm 2020, vùng biển duyên hải Trung Bộ sẽ phát triển các trung tâm du lịch lớn, đó là cơ sở để hình thành hệ thống đô thị biển quy mô với các chức năng dịch vụ du lịch, giải trí, mua sắm và sinh sống chất lượng cao.
“Là một cấu phần quan trọng trong nền kinh tế biển, bất động sản biển những năm qua đã phát triển rất mạnh với đa dạng các loại hình sản phẩm và quy mô dự án ngày càng lớn”, ông Lê Trọng Minh nói.
Theo ông Minh, ngành công nghiệp du lịch phát triển bùng nổ, tầng lớp trung lưu và người giàu tăng nhanh, cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại được đầu tư phát triển mạnh là ba nguyên nhân cơ bản khiến bất động sản biển ngày càng trở thành phân khúc hấp dẫn trên thị trường địa ốc.
Đồng thời, bất động sản biển có thể là một ngôi nhà thứ hai phục vụ mục đích nâng cao chất lượng sống của những người khá giả, có thể là khoản tích lũy tài sản lâu dài hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
Ông Minh cho hay, từ các thị trường quen thuộc như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hạ Long… vẫn duy trì thế mạnh truyền thống, đến các thị trường mới nổi như Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định… với lợi thế thiên nhiên còn hoang sơ, giá bất động sản còn tương đối rẻ, tất cả đang tạo nên bức tranh nhiều màu sắc cho thị trường bất động sản biển.
Đồng thời, sự góp mặt của các chủ đầu tư lớn với tiềm lực tài chính dồi dào và tầm nhìn dài hạn đã tạo lập nên nhiều đại dự án đô thị biển quy mô lớn, đa dạng sản phẩm và hình thái sở hữu, được quy hoạch bài bản các phân khu chức năng, hạ tầng tiện ích…, tạo thêm các giá trị mới cho du lịch và phát triển đô thị.
Dù từ tháng 3/2020 đến nay, toàn bộ hoạt động du lịch quốc tế bị ngưng trệ, nhưng theo đánh giá của hầu hết chuyên gia quốc tế, ngành du lịch Việt Nam sẽ phục hồi nhanh hơn các quốc gia khác nhờ vào yếu tố an toàn trong kỷ nguyên Covid-19, khoảng cách gần với các nguồn du khách lớn và đà tăng trưởng tốt trong quá khứ.
Tầng lớp trung lưu Việt Nam, theo dự báo đến năm 2025 có thể chiếm 25% dân số, tức khoảng 25 triệu người và ngày càng nhiều người trong số này có nhu cầu sở hữu một căn nhà thứ hai để nghỉ dưỡng và tích lũy tài sản. Nhu cầu này được khích lệ bởi hệ thống hạ tầng giao thông đường cao tốc, đường không… ngày càng phủ rộng, kéo gần khoảng cách giữa các đô thị truyền thống và đô thị biển.
Đồng thời, trong dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu đề xuất nội dung quy định cho phép đối tượng cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua, sở hữu các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng như người trong nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được biết cũng đang rốt ráo hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, trong đó có nội dung tạo hành lang pháp lý cởi mở, cụ thể hơn đối với vấn đề sở hữu các sản phẩm bất động sản biển như chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp Ban chỉ đạo nhà ở quốc gia đầu tháng 10 vừa qua.
Để đón đầu cơ hội trong chu kỳ phát triển mới, các chủ đầu tư dự án bất động sản biển và cả nhà đầu tư cá nhân phải chuẩn bị và ra quyết định đầu tư ngay từ bây giờ.
Nhận diện “khẩu vị” đầu tư mới
Ông Lê Trọng Minh cho rằng, thực tế, những tháng cuối năm 2020, nhiều dự án bất động sản biển, đô thị biển với quy mô hàng trăm, hàng ngàn héc-ta đã được công bố dồn dập ra thị trường. Nhiều dự án, nhiều công trường chưa nghỉ một ngày thi công dù trong cao điểm dịch Covid-19. Điều này vừa khẳng định sức sống tiềm tàng của các chủ đầu tư, vừa cho thấy tầm nhìn của các doanh nghiệp trong việc chuẩn bị cho một tương lai phát triển bùng nổ các sản phẩm đô thị biển.
Ông Minh cũng dẫn chứng theo một số nghiên cứu mới đây, nhu cầu của du khách đối với các mô hình sản phẩm như resort cao cấp kết hợp chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ, khu nghỉ dưỡng phức hợp với trải nghiệm F&B độc đáo và nghỉ dưỡng cuối tuần không ngừng gia tăng. Đặc biệt, những địa điểm thuận tiện đường bay như Nha Trang, Cam Ranh, Bình Định hay thuận tiện tiếp cận bằng xe hơi như Hồ Tràm, Vũng Tàu, Phan Thiết… có ưu thế trở thành những địa điểm nghỉ dưỡng cuối tuần của đông đảo người dân.
Về nhu cầu đầu tư, người mua hiện nay không chỉ xem các sản phẩm bất động sản biển là sản phẩm đầu tư mà còn chú trọng về mục đích sử dụng như một sản phẩm nghỉ dưỡng.
Trong đó, không đơn thuần là một dự án khách sạn, nghỉ dưỡng như trước đây, đại đô thị biển bao gồm đa dạng loại hình bất động sản như biệt thự, shophouse, liền kề, chung cư, condotel và các tiện ích trường học, bệnh viện… có thể đảm bảo cho cả cộng đồng dân cư sinh sống.
“Các dự án này đang rất hấp dẫn người tiêu dùng do nhiều sản phẩm như chung cư, biệt thự… có thể được sở hữu lâu dài theo cơ chế quản lý với đất ở đô thị”, ông Minh nói và đồng thời nhấn mạnh, một đô thị biển đủ lớn sẽ hình thành một hệ sinh thái nghỉ dưỡng và trải nghiệm cũng như buôn bán, kinh doanh hấp dẫn. Do đó, đây sẽ là những sản phẩm dẫn dắt xu thế phát triển của bất động sản ven biển trong thời gian tới.
Một điểm cộng nữa với các khu đô thị biển cả trong hiện tại và tương lai được ông Minh dẫn chứng là khả năng kết nối cao, dễ hình thành các tour tuyến du lịch khi các dự án luôn được tính toán tọa lạc ở các vị trí liền kề hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại đã hoặc đang triển khai.
Do đó, triển vọng đưa các dự án về đích đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả vận hành, khai thác, sinh lời theo các giai đoạn của dự án là rất khả thi. Đó là những lý do khiến nhiều nhà quan sát thị trường bất động sản nhận định rằng, các sản phẩm đô thị biển phức hợp sẽ là một trong những phân khúc dẫn dắt xu hướng đầu tư trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh dòng tiền ngày càng trở nên rẻ hơn do lãi suất ngân hàng tiếp tục được ghìm cương ở mức thấp và các kênh đầu tư khác chưa chứng tỏ độ ổn định.
Tìm lời giải cho cuộc chơi đô thị biển
Để mô hình đô thị phức hợp ven biển phát triển lành mạnh, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư, hành lang pháp lý đối với hoạt động giao dịch, sở hữu và vận hành sản phẩm này cũng đang được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung. Trong đó, những vấn đề đang được thị trường quan tâm như trong đại đô thị biển có được hình thành cộng đồng dân cư? Nếu có, sẽ phải giải quyết thế nào để hài hòa giữa tiêu chuẩn quản lý vận hành các sản phẩm, dịch vụ nghỉ dưỡng với quản lý vận hành khu dân cư?
Đối với phần đất kinh doanh thương mại trong các dự án đô thị biển có thời gian sở hữu 50 năm hoặc thấp hơn, người mua sẽ được giải quyết quyền lợi như thế nào sau khi thời hạn sở hữu kết thúc (có được gia hạn sở hữu tự động, tiền sử dụng đất giai đoạn sau do chủ đầu tư dự án hay người sở hữu sản phẩm chi trả)? Mô hình quản lý phù hợp với đại đô thị biển là gì để nhà đầu tư yên tâm sở hữu cho cả mục đích đầu tư và mục đích để ở?
Khi nền tảng pháp lý được hoàn thiện, cùng với sức hấp dẫn tự thân, đô thị biển chắc chắn sẽ chứng kiến những bước phát triển rực rỡ trong những năm tới.
“Là đơn vị tổ chức hội thảo kết hợp tọa đàm trực tuyến, Ban Biên tập Báo Đầu tư tin tưởng rằng, với sự có mặt của đầy đủ lãnh đạo cơ quan quản lý, các hiệp hội, các chuyên gia, đại diện chủ đầu tư cùng sự hỗ trợ truyền thống của nhiều cơ quan báo chí bè bạn cũng như hệ thống ấn phẩm của Báo Đầu tư, thông tin và những kiến giải từ cuộc hội thảo này sẽ có tiếng vang rộng rãi hơn”, ông Minh nhấn mạnh.