Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng làm nhà ở xã hội
29/10/2021Giai đoạn 2021 – 2025, nhu cầu về nhà ở xã hội khoảng gần 300 nghìn căn
Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, giai đoạn 2021 – 2025, nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp khoảng 294.600 căn với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.
Trong đó, nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 131.100 căn có tổng mức đầu tư ước tính 138.000 tỷ đồng; nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 163.500 căn với tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.
Xuất phát từ nhu cầu về nhà ở nêu trên, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế – xã hội sau dịch Covid-19 gói tín dụng và cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, gói tín dụng 65.000 tỷ đồng, bao gồm: Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, trong đó: Cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khách hàng cá nhân theo quy định của Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định; cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định.
Còn gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng được vay ưu đãi như: Công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội; chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của Luật Nhà ở.
Góp phần thực hiện “mục tiêu kép” bảo đảm an sinh xã hội – nhà ở
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, gói tín dụng và cơ chế, chính sách đặc thù trong Chương trình phục hổi kinh tế bền vững đến năm 2023 hướng tới việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị, đặc biệt là nhà ở công nhân và người lao động làm việc trong khu công nghiệp.
“Chương trình này cũng góp phần thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đề ra là bảo đảm an sinh xã hội – nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp). Đồng thời, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản; góp phần thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14/7/2021” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, đối tượng thụ hưởng của gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 chủ đầu tư các dự án nhà lưu trú cho công nhân thuê, dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua. Cùng với đó, công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp cũng được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Để lựa chọn chủ đầu tư, Bộ Xây dựng đề xuất, trường hợp dự án nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp thuê thì giao doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp làm chủ đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân trên phạm vi đất kinh doanh – dịch vụ của khu công nghiệp đó. Với dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua thì lựa chọn chủ đầu tư theo pháp luật hiện hành…
Một trong những nội dung được quan tâm khi thực hiện chương trình là vốn tín dụng và cách thức triển khai. Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định – khoảng 50.000 tỷ đồng (khoảng 25% so với nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 là 220.000 tỷ đồng) với lãi suất và thời hạn phù hợp để cho các đối tượng thuộc chương trình vay ưu đãi.
Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại được chỉ định cho vay hỗ trợ các đối tượng thuộc chương trình. Các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay đối với khách hàng là đối tượng thuộc chương trình này theo quy định của pháp luật hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng và các quy định do Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm xem xét, thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng và chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình với lãi suất ưu đãi bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường nhưng không vượt quá 6%/năm trong 5 – 15 năm.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Chính phủ giao cho bộ này việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể và kế hoạch thực hiện./.