Các quốc gia đang phản ứng thế nào với cơn sốt tiền ảo?
20/04/2021Nhiều chính phủ đã và đang có phản ứng khá “gắt” với cơn sốt đang diễn ra trên thị trường tiền ảo toàn cầu…
Nhà đầu tư, tỷ phú Ray Dalio từng cho rằng các chính phủ có thể đặt Bitcoin và các tiền ảo khác vào tầm ngắm trong nỗ lực duy trì vị thế độc quyền tiền tệ.
Cảnh báo này phần nào đã trở thành hiện thực ở Thổ Nhĩ Kỳ.
SỐT TIỀN ẢO VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA THỔ NHĨ KỲ
Bitcoin, tiền ảo phổ biến nhất thế giới, đã tăng giá gần gấp đôi kể từ đầu năm đến nay.
Ether, đồng tiền ảo vốn hóa lớn thứ hai, vượt ngưỡng kỷ lục 2.500 USD hôm 15/4.
Dogecoin, đồng tiền ảo được tạo ra “như một trò đùa” dựa trên meme chú chó Shiba, tăng 400% trong tuần trước.
Thị trường tiền kỹ thuật số đã thăng hoa suốt năm 2020 và chưa có dấu hiệu dừng lại cho đến nay. Thương vụ IPO sàn Coinbase gần đây tiếp tục “thổi giá” hàng loạt đồng tiền ảo lên cao. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức cân nhắc tham gia cuộc chơi tiền ảo; hướng tới chấp nhận tiền ảo trong giao dịch thanh toán.
Hôm 16/4, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cấm sử dụng tiền ảo trong mọi giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng mọi phương pháp trực tiếp hay gián tiếp.
Cùng với đó, cơn sốt tiền ảo này cũng kéo theo sự giám sát ngày càng chặt chẽ từ các chính phủ và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành quốc gia mới nhất mạnh tay với tiền ảo
Hôm 16/4, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cấm sử dụng tiền ảo trong mọi giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng mọi phương pháp trực tiếp hay gián tiếp. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 30/4.
Trong một tuyên bố, cơ quan này nhấn mạnh các tài sản tiền ảo “không bị điều chỉnh bởi bất kỳ quy định hay cơ chế giám sát nào, cũng không được quản lý bởi bất kỳ cơ quan trung ương nào”. “Việc sử dụng (tiền ảo) trong thanh toán có nguy cơ gây nên tổn thất khó khắc phục cho các bên tham gia giao dịch… Chưa kể tới nguy cơ làm suy giảm niềm tin vào các công cụ hiện đang được sử dụng trong thanh toán”.
Ngay sau tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ, giá Bitcoin sụt gần 5%.
Thị trường tiền ảo ở Thổ Nhĩ Kỳ đã hoạt động sôi nổi trong những tháng gần đây khi các nhà đầu tư tìm đến Bitcoin như một tài sản an toàn trước sự sụt giá của đồng nội tệ Lira và hiện tượng lạm phát lên tới 16% vào tháng trước. Royal Motors – công ty phân phối siêu xe Rolls-Royce địa phương – đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong nước chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo.
CẢNH BÁO TỪ CÁC QUỐC GIA KHÁC
Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay là một trong số hiếm hoi các quốc gia đưa ra những biện pháp kiểm soát chặt chẽ về mặt quy định với tiền ảo. Hầu hết các chính phủ khác vẫn thận trọng quan sát hoặc chỉ tìm cách làm rõ các quy tắc điều chỉnh tiền ảo hơn là cấm giao dịch.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có lý do riêng để hành động như vậy, vì nước này đang ở trong một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ.
Đồng Lira đã mất giá tới 10% từ đầu năm đến nay. Năm ngoái, đồng tiền này cũng trượt giá kỷ lục 24%. Lạm phát chưa từng có thúc đẩy khối lượng giao dịch tiền ảo ở Thổ Nhĩ Kỳ đạt mức kỷ lục 218 tỷ Lira (27 tỷ USD) chỉ tính từ đầu tháng 2 đến 24/3, tăng vọt so với mức hơn 7 tỷ Lira cùng kỳ năm ngoái – theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Mỹ Chainalysis.javascript:if(typeof(adnzone508754)!=’undefined’){adnzone508754.renderIframe();}else{parent.adnzone508754.renderIframe();}
Nhưng không riêng Thổ Nhĩ Kỳ, còn nhiều chính phủ khác đang cân nhắc hành động với tiền ảo.
Một báo cáo vào cuối tuần qua tiết lộ Bộ Tài chính Mỹ đang có kế hoạch xử phạt các tổ chức tài chính liên quan đến các giao dịch rửa tiền thông qua tài sản kỹ thuật số.
Chính phủ Singapore, từng được xem là một trong những quốc gia thân thiện với tiền ảo – mới đây cũng cảnh báo công chúng thận trọng với các giao dịch tài sản này. “Tiền ảo được đánh giá có mức độ bất ổn cao” – khuyến cáo của Chủ tịch Cơ quan tiền tệ quốc tế Singapore Tharman Shanmugaratnam. “Do đó, tiền ảo có rủi ro cao nếu được lựa chọn là tài sản đầu tư”.
Trong tuần trước, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đưa ra hàng loạt cảnh báo về rủi ro và cạm bẫy tiềm ẩn từ tiền ảo.
Ấn Độ được cho là sắp đề xuất một lệnh cấm với tiền ảo kèm theo quy chế phạt mạnh tay với những ai giao dịch hoặc nắm giữ tài sản bằng tiền ảo.
Trung Quốc thậm chí đã hành động từ năm 2017 với lệnh cấm công dân trao đổi trực tiếp đồng Nhân dân tệ lấy tiền ảo thông qua các trang web giao dịch trực tuyến.
“Chúng ta đang ở trong một thị trường sốt tiền ảo…. Các nhà chức trách chắc chắn phải cảnh báo công chúng cẩn trọng để không bị mê hoặc và dốc túi vào những khoản đầu tư phi lý” – Kenneth Bok, nhà đầu tư tiền ảo tại Singapore nhận định.
Tiền ảo tồn tại bên rìa hệ thống tài chính toàn cầu và không được quản lý bởi một cơ quan nhà nước như các loại tiền tệ pháp định do chính phủ phát hành. Đây là một trong những lý do chính khiến các chính phủ thận trọng hoặc quay lưng với tiền ảo.
CẤM TIỀN ẢO CÓ KHẢ THI?
Thực tế, các chuyên gia công nghệ tài chính (finetech) toàn cầu đều đồng ý rằng quy định cấm tiền ảo về cơ bản là bất khả thi. Về mặt kỹ thuật, cách duy nhất để cấm sở hữu hay giao dịch các tài sản tiền ảo là cắt mạng internet.
“Theo đúng nghĩa đen, bạn có thể lưu trữ hàng tỷ USD Bitcoin trên một tờ giấy nháp” – nhận định của chuyên gia tài chính Ấn Độ Balaji Srinivasan. Sẽ thật nực cười nếu một ngày, cơ quan thực thi pháp luật đi lục tung thùng rác một căn hộ nào đó để tìm kiếm tờ giấy nháp ghi nguệch ngoạc vài dòng mật mã truy cập ví kỹ thuật số. Vì đơn giản, không có cách nào ngăn chặn hoặc truy vết trực tuyến các giao dịch tiền ảo khi chúng hoạt động trên nền tảng công nghệ blockchain (chuỗi khối).
“Ngay cả khi một quốc gia thông qua luật cấm tiền ảo, luật này hầu như không thể thực thi được. Những quốc gia từng cấm tiền ảo trong quá khứ đã chứng kiến thị trường ngầm bùng nổ theo cấp số nhân. Không có cách nào phát hiện những ai đang tham gia giao dịch trên những “chợ đen”” – trích lời Sharan Nair, Giám đốc Kinh doanh của sàn giao dịch Coinswitch.
Trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, đa số các doanh nghiệp, nhà quan sát trong nước tỏ ra không đồng tình với động thái cấm giao dịch thanh toán bằng tiền ảo.
“Theo đúng nghĩa đen, bạn có thể lưu trữ hàng tỷ USD Bitcoin trên một tờ giấy nháp”
Ahmed Faruk Karsli, Giám đốc điều hành công ty thanh toán Papara của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay ông bị bất ngờ về lệnh cấm. “Chọn biện pháp cấm cửa dễ hơn nhiều so với nỗ lực quản lý… Đây là một quy định khiến tôi quan ngại cho tương lai đất nước”, ông Karsli nói.
Nhà kinh tế Ugur Gurses cũng cho rằng lệnh cấm là một quy định sai lầm. “Bất kỳ cơ quan nào chọn cách điều tiết thị trường bằng lệnh cấm sẽ phải thất vọng, vì điều đó chỉ khuyến khích các công ty khởi nghiệp fintech di chuyển ra nước ngoài”.