Cần ‘trợ lực’ cho thị trường bất động sản

05/08/2021

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản (BĐS) sẽ ghi nhận nhiều điểm tích cực trong thời gian tới nhưng lại tồn đọng nhiều vấn đề khó khăn nên rất cần “trợ lực” để thúc đẩy phát triển.

6 tháng đầu 2021 có nhiều biến động, thị trường bất động sản có sự tăng trưởng tương đối mạnh mẽ. Song, đến đợt dịch bùng phát lần thứ 4, dịch bệnh trở nên nghiêm trọng và kéo dài hơn dự kiến. Tại thị trường miền Nam, tình hình dịch đang nóng buộc tất cả các doanh nghiệp bất động sản gần như dừng hoạt động.

Cần trợ lực cho thị trường bất động sản - Ảnh 1.
Ảnh minh họa.

Nhận định thị trường từ nay đến cuối năm, việc phòng chống dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn tới giao dịch thị trường vì với ngành bất động sản, việc giao dịch online rất khó, khi khách hàng muốn đến thăm dự án, rồi phải tiến hành các thủ tục… Trong thời gian giãn cách này, khách hàng sẽ tìm hiểu thông tin, chờ dịch bệnh kết thúc.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương – Tổng giám đốc Đại Phúc Land dự đoán với báo chí, dịch bệnh nhiều khả năng vẫn sẽ kéo dài và có thể đến quý IV thì doanh nghiệp bất động sản mới hoạt động trở lại, thị trường BĐS theo đó sẽ có cơ hội phục hồi.

ng Nguyễn Xuân Lộc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MSH Group chia sẻ tại tọa đàm “Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021”: “Nếu tháng 8 có thể kiểm soát được dịch bệnh thì tôi tin rằng, cuối năm thị trường sẽ giao dịch tốt, nhiều chủ đầu tư đang chờ tung hàng ra, thị trường bất động sản cuối năm có thể có đợt sóng mới”.

Đa số các chủ đầu tư dùng vốn vay rất nhiều để phát triển dự án, gánh nặng lãi suất ngân hàng là rất lớn. Do đó, các ngân hàng cần xem xét giảm lãi suất, khoanh nợ để chủ đầu tư có thêm nguồn lực phát triển dự án nhằm đưa ra sản phẩm vào quý IV tới.

Còn với những doanh nghiệp môi giới, để có thể duy trì được hoạt động, cần xem xét lại gói cho vay ưu đãi cho các doanh nghiệp này để hỗ trợ doanh nghiệp trả chi phí mặt bằng, vay vốn để trả lương cho nhân viên.

Thị trường BĐS vốn đã tồn đọng nhiều vấn đề khó khăn. Về mặt pháp lý, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra nhiều văn bản đề xuất tháo gỡ, và từ đầu năm 2021 đến nay đã có một số điểm sáng về pháp lý. Doanh nghiệp đang chờ đợi những đổi mới này được thực thi, đồng thời việc sửa đổi Luật Đất đai cũng sẽ tạo ra nhiều kỳ vọng mới.

 Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho biết, các doanh nghiệp có thêm sự tin tưởng và chờ đợi vào sự thực thi của những thay đổi mới này để có thể tiết kiệm được nhiều nguồn lực và thời gian.

“Doanh nghiệp BĐS chúng tôi nhiều khi nhìn thấy cơ hội kinh doanh mà không dám hành động vì thủ tục pháp lý có nhiều vấn đề. Như vậy, ngoài gói tín dụng, cần phải khơi thông về pháp lý để thị trường BĐS có thêm nguồn lực hồi phục mạnh mẽ hơn vào quý IV năm nay cũng như năm 2022”, Tổng giám đốc Đại Phúc Land nhận định tại toạ đàm “Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021”.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.