Diện mạo tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam

12/07/2023

Tỉnh Đồng Nai có 39 khu công nghiệp với tổng diện tích 190 km2. Tính đến tháng 4/2023, tỉnh đã thu hút được 33,4 tỷ USD vốn đầu tư FDI.

Tỉnh Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, có diện tích 5.864 km 2, lớn thứ 3 vùng Nam Bộ. Dân số gần 3,2 triệu người, đứng thứ 5 cả nước (sau TP. HCM, Hà Nội, Thanh Hoá và Nghệ An). Phát triển công nghiệp từ những năm 60 của thế kỷ trước, hiện tỉnh đứng đang đứng đầu cả nước khi được phê duyệt quy hoạch 39 khu công nghiệp với gần 190 km2, trong đó 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy gần 86%.

Hiện các khu công nghiệp của tỉnh thu hút khoảng 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư. Trong đó nhiều nhất là Hàn Quốc với các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Hyosung… Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2022 ước đạt 765,67 nghìn tỷ đồng, tăng 8,69% so cùng kỳ. Trong ảnh là KCN Suối Tre tại TP Long Khánh.

Long Thành, Biên Hoà, Nhơn Trạch là những địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh Đồng Nai. Riêng thành phố Biên Hoà có 6 khu công nghiệp đang hoạt động ổn định với hơn 450 doanh nghiệp thuê đất để sản xuất kinh doanh. 5 năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp bình quân tăng gần 11%/năm. Trong ảnh là khu công nghiệp Biên Hòa 2, nằm ngay tại cửa ngõ đầu mối giao thông khu vực tứ giác kinh tế: Đồng Nai – Bình Dương – Vũng Tàu – TP. HCM.

Các khu công nghiệp ở tỉnh phát triển đa dạng ngành nghề như điện tử, dệt may, cơ khí, chế biến thực phẩm… với hơn 618.000 công nhân, trong đó hơn 50% thuộc diện nhập cư. Trong ảnh là công nhân sản xuất giày tại Công ty cổ phần Bình Tiên Biên Hoà – nhà máy thứ 5 của Biti’s, quy mô hơn 6 ha tại khu công nghiệp Amata (Biên Hoà).

Đồng Nai đang chuyển mình phát triển theo hướng công nghiệp xanh. Tỉnh xác định kiên trì định hướng thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc, sử dụng công nghệ cao, không thâm dụng lao động, đồng thời tích cực hỗ trợ các công ty kinh doanh hạ tầng xây dựng khu công nghiệp sinh thái. Năm 2020, Amata Đồng Nai là một trong ba khu công nghiệp đầu tiên của cả nước được chọn để xây dựng mô hình thí điểm khu công nghiệp sinh thái kiểu mẫu theo hướng toàn cầu.

Quy mô công nghiệp lớn đòi hỏi tỉnh Đồng Nai chú trọng đầu tư, tháo gỡ các khó khăn về hạ tầng giao thông. Đối với đường bộ, tỉnh xây dựng các hành lang kết nối vùng dựa trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai. Trong ảnh là cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây dài 51 km được đưa vào khai thác năm 2015, đảm nhận vai trò kết nối Đồng Nai với các tỉnh Tây Nguyên.

Năm 2023, hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia về giao thông được khẩn trương thực hiện tại Đồng Nai hoặc đi qua địa phận tỉnh, một số đã đi vào hoạt động, mở ra không gian phát triển mới. Trong ảnh là cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết dài 99 km, tổng mức đầu tư gần 12.600 tỷ đồng, được thông xe vào dịp 30/4. Tuyến giao thông đóng vai trò kết nối sân bay Long Thành nói riêng, giúp rút ngắn hành trình từ TP. HCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung bộ nói chung.

Bên cạnh đó, việc kết nối Đồng Nai với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hệ thống cảng biển nước sâu Cái Mép – Thị Vải sẽ được đảm nhận bởi hành lang QL51 và cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đang được xây dựng. Tuyến cao tốc giai đoạn một dài 53,7 km, tổng vốn đầu tư khoảng 17.837 tỷ đồng. Sau khi hình thành, công trình sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP. HCM, giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Các con đường nội thành ở các huyện cũng được tỉnh Đồng Nai đầu tư xây dựng khang trang. Trong ảnh là đường Võ Nguyên Giáp, có điểm đầu giáp huyện Trảng Bom và điểm cuối giao với QL51. Toàn tuyến dài 12,2 km với 6 làn xe, tổng vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng. Con đường giúp giảm mật độ giao thông trên QL1 đoạn qua thành phố Biên Hòa, góp phần tạo nên sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Ở thành phố Biên Hoà, hệ thống hạ tầng đặc biệt được coi trọng, tạo đà cho sự phát triển toàn diện. Những năm qua, thành phố đã có nhiều dự án hạ tầng được xây dựng. Trong đó, 3 hầm chui và một cầu vượt đã đi vào hoạt động góp phần cải thiện áp lực giao thông cho thành phố.

Với 31 khu công nghiệp đang hoạt động, sản lượng hàng hóa có nhu cầu vận chuyển bằng đường thủy trên địa bàn tỉnh khoảng 17,5 triệu tấn (số liệu năm 2021), chiếm khoảng 3% so với tổng lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển cả nước. Xác định tầm quan trọng của cảng biển, tỉnh Đồng Nai quy hoạch 3 khu bến cảng gồm: khu bến Phước An, Gò Dầu, Phước Thái; khu bến Nhơn Trạch và khu bến Long Bình Tân. Từ đó tập trung khai thác các phân khúc chính là vận tải nội Á và nội địa.

Là địa phương có nền công nghiệp phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, việc quy hoạch mạng lưới đô thị hiện đại, bền vững, được Đồng Nai tập trung nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân. Theo quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Biên Hòa được định hướng trở thành trung tâm hành chính tập trung phát triển dịch vụ đô thị, du lịch sinh thái ven sông, y tế và giáo dục. Trong đó, không gian phát triển mới cho đô thị Biên Hòa sẽ được xoay trục hướng ra sông Đồng Nai.

Tỉnh Đồng Nai cũng quy hoạch phát triển không gian kinh tế – xã hội theo thế mạnh của từng vùng. Trong ảnh là thành phố Long Khánh được thành lập năm 2019. Nơi đây có tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến nông sản và du lịch sinh thái.

Huyện Long Thành – Nhơn Trạch được định hướng phát triển các đô thị sinh thái ven sông, trung tâm mua sắm, giáo dục đổi mới sáng tạo, tận dụng sân bay Long Thành để phát triển hệ thống logistics xuyên suốt và du lịch thông minh. Trong ảnh là sân bay Long Thành với vốn đầu tư vào khoảng 16 tỷ USD, nằm ở vị trí thuận lợi khi gần TP. HCM, cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải và hàng chục khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai.

Bên cạnh đó, để giải quyết bài toán về an sinh xã hội khi lực lượng lao động ngày càng gia tăng, nhiều năm qua UBND tỉnh đã có các chính sách về mặt: hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế… Bệnh viện đa khoa Đồng Nai có mức đầu tư 3.300 tỷ đồng, được xây dựng tại TP Biên Hòa với kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng y tế trong khu vực và tỉnh.

Diện mạo tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam

Kết cấu hạ tầng dần hoàn thiện giúp xúc tiến du lịch – dịch vụ của tỉnh. Đồng Nai là địa điểm du lịch lý tưởng khi sở hữu nhiều địa danh thú vị như: Bửu Long, Vườn Xoài, Sơn Tiên… Đặc biệt, khu du lịch Bửu Long, nơi được ví như “vịnh Hạ Long thu nhỏ” của Đông Nam bộ thường xuyên thu hút được lượng lớn du khách từ các tỉnh lân cận đến để vui chơi, giải trí.