Dự báo làn sóng cắt giảm lao động sẽ kéo dài đến hết năm 2023

17/08/2023

Trong thời gian tới, dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó. Điều này sẽ dẫn đến đời sống người lao động càng khó khăn hơn, tỷ lệ thất nghiệp cũng có thể gia tăng

Trong số các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động năm 2023, có đến 71.3% doanh nghiệp dự kiến sẽ phải cắt giảm quy mô lao động từ 5% trở lên. Xét theo ngành kinh tế chính, các ngành Kinh doanh bất động sản, Xây dựng và Du lịch, khách sạn có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, lần lượt là 53%, 44% và 43%. Còn xét theo địa phương thì TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng là những tỉnh/thành phố có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, đều trên 30%.

Nguyên nhân không có việc làm

32.4% người lao động không có việc cho biết rằng họ bị mất việc là do cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng kinh doanh, trong khi có 27.1% đưa ra nguyên nhân do cơ sở sản xuất, kinh doanh phải sa thải lao động để cắt giảm chi phí do không có đơn hàng.

Xu hướng số lượng người lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp không những không giảm đi mà tăng lên diễn ra từ quý IV/2022 sang quý I/2023. Dự báo con số này sẽ còn tiếp diễn trong các quý còn lại của năm 2023. Theo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp mới đây, trong số các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động năm 2023 khoảng 5.200 trong số gần 9.560 doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ cắt giảm trên 5% lao động từ nay đến hết năm 2023.

Hai lĩnh vực cắt giảm nhiều nhất là xây dựng và công nghiệp. Doanh nghiệp cắt giảm phần lớn là ngoài nhà nước và một nửa trong số này hoạt động tại TP HCM, Bình Dương. Doanh nghiệp cho biết thách thức lớn nhất đang phải đối mặt là đơn hàng.

Dự đoán tình hình

Làn sóng sa thải người lao động tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp. Cùng với quá trình cắt giảm nhân lực, gần 30% doanh nghiệp cho biết sẽ giảm một nửa doanh thu, chỉ khoảng 2,5% đơn vị có chiều hướng tăng.

Nhiều doanh nghiệp cũng muốn giảm chi phí lao động thông qua giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn hoặc xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp thực tế. Vào cuối tháng 4, tám hiệp hội doanh nghiệp đã đề xuất giảm tỷ lệ đóng Quỹ Hưu trí tử tuất từ 22% xuống 16-20%, nhưng nâng nền tiền đóng lên 70-90% để sát thu nhập thực tế của lao động.

Về tiếp cận nguồn vốn vay, doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ giảm mạnh lãi suất vay cho thuê, mua nhà ở xã hội để số đông công nhân, lao động có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trong quá trình lao động vay vốn, nhà nước xem xét cơ chế để doanh nghiệp tham gia bảo lãnh cho họ thay vì phải trải qua quy trình xét duyệt phức tạp theo diện “chính sách” như hiện tại.

Việc cắt giảm lao động có thể kéo dài tới tận cuối năm 2023 thay vì đến hết tháng 6 như nhiều dự báo trước đó. Tình trạng này diễn ra từ giữa năm 2022, khi hàng loạt doanh nghiệp trong nước mất đơn hàng dịp cuối năm vì các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản giảm nhu cầu tiêu dùng; khó khăn nguyên liệu, chi phí tăng cao.