Hơn 2.700 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tại Cần Thơ giai đoạn 2022-2026
28/02/2022Mới đây, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường ký ban hành Báo cáo số 59/BC-UBND đề xuất dự án sử dụng nguồn vốn ODA dự án Phát triển bền vững TP.Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, TP.Cần Thơ sẽ đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông từ năm 2022-2026
Dự án Phát triển bền vững TP.Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu dự kiến sẽ được tài trợ, đồng tài trợ nước ngoài. Các tổ chức hỗ trợ thực hiện dự án là: Ngân hàng Thế Giới (WB), Ngân hàng phát triển Á Châu (ADB), Tổ chức tài chính phát triển công cộng toàn diện của Pháp (AFD) và Tổ chức tài chính phát triển của Đức (KfW).
Dự án gồm 2 hợp phần: Nâng cấp, mở rộng tuyến Cần Thơ – Hậu Giang (Quốc lộ 61C) giai đoạn 2 (đoạn qua địa phận TP.Cần Thơ); Đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.
Theo UBND TP.Cần Thơ, hiện trạng kết nối Cần Thơ – Hậu Giang chủ yếu thông qua các tuyến Quốc lộ 61C, Quốc lộ 61 có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu lưu thông hiện tại và tương lai. Để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế và phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, TP.Cần Thơ ngoài việc đầu tư phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn, còn cần chú trọng phát triển các tuyến giao thông liên vùng để tăng cường kết nối TP.Cần Thơ với các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Hậu Giang nói riêng.
Đây là tuyến ngắn nhất nối TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với TP.Cần Thơ có tổng chiều dài hơn 47km (trong đó đoạn thuộc TP.Cần Thơ hơn 10km), đóng vai trò là trục kết nối với các giao thông rất quan trọng của vùng Tây Nam bộ.
Tuyến đường nối Vị Thanh – Cần Thơ kết hợp với Quốc lộ 1A, Quốc lộ 61, Quốc lộ 61C, cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, tuyến Nam Sông Hậu, tuyến Quản lộ – Phụng Hiệp, Quốc lộ 91, Quốc lộ 91B… tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện trạng kết nối giữa Cần Thơ và Kiên Giang chủ yếu thông qua các tuyến Quốc lộ 61C, Quốc lộ 61, Quốc lộ 91 và Quốc lộ 80 có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu lưu thông hiện tại và tương lai. Trong tương lai xây dựng cầu Ô Môn, tuyến sẽ góp phần hình thành tuyến kết nối liên vùng giữa các tỉnh Đồng Tháp – Cần Thơ – Kiên Giang
Tổng mức đầu tư dự án Phát triển bền vững TP.Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu là 2.728,720 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật hơn 394 tỷ đồng, chi phí xây lắp hơn 1.800 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác hơn 120 tỷ đồng, chi phí dự phòng hơn 345 tỷ đồng. Dự kiến cơ cấu nguồn vốn: nguồn vốn nước ngoài hơn 1.868 tỷ đồng (100% vốn xây lắp), trong đó, ngân sách Trung ương cấp phát hơn 1.681tỷ đồng (90%), địa phương vay lại hơn 186 tỷ đồng (10%), vốn trong nước hơn 860 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án 2022-2026.
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/