Ngân hàng kiểm soát nguồn tín dụng chảy vào bất động sản, chứng khoán
21/06/2021Ngân hàng Nhà nước cho biết tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản, BOT,…
Theo thông tin tại họp báo sáng nay (21/6) của Ngân hàng Nhà nước, tính tới 15/6, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 5,1% so với cuối năm trước, gấp đôi con số đạt được cùng kỳ năm 2020 (2,26%).
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: “Tôi tin rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% vào cuối năm nay sẽ đạt được, thậm chí nếu thuận lợi có thể mở rộng tín dụng cao hơn con số 12%”.
Riêng với tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết NHNN tiếp tục kiểm soát dòng vốn chảy vào những lĩnh vực này. Trong 6 tháng đầu năm, 3/4 lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro ghi nhận tăng trưởng, riêng tín dụng BOT, BT giảm 1,65%.
Kết thúc tháng 6, dự kiến dư nợ của lĩnh vực chứng khoán chỉ chiếm 0,48% trong tổng dư nợ tín dụng, không thay đổi nhiều so với tháng 4, tháng 5. Dư nợ tín dụng chứng khoán hiện khoảng 46.700 tỷ đồng, tăng khoảng 400-500 tỷ so với tháng 5. “Lĩnh vực này cũng được dư luận quan tâm khi giá chứng khoán có biến động mạnh thời gian qua. NHNN sẽ có biện pháp kiểm soát, đặc biệt là kiểm soát việc lách luật sử dụng vốn sai mục đích”, ông Tuấn Anh cho biết.
Về tín dụng lĩnh vực bất động sản, trong 3 năm gần đây, xu hướng chung là giảm dần tín dụng bất động sản. Nếu như tăng trưởng tín dụng bất động sản vào năm 2018 là 26,16%, năm 2019 là 21% thì năm 2020 chỉ ở mức 11,89%, thấp hơn tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống. Tính đến 30/4, tín dụng bất động sản tăng 4,83% và ước đến hết tháng 6 tăng khoảng 6%, đang trong phạm vi kiểm soát chặt chẽ của cơ quan đầu ngành ngân hàng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay, trước việc giá bất động sản tăng nóng trong tháng 3, tháng 4 tại một số địa phương, NHNN đã có các cảnh báo tới các TCTD. Đến hiện tại, giá BĐS đã có phần giảm nhiệt, sau khi các địa phương công bố quy hoạch công khai. “Theo thông tin NHNN nhận được, thị trường đã dần ổn định hơn, nhưng chưa thể lơ là, chủ quan. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực rủi ro này”, ông nói.