Rà soát hoạt động đấu giá đất gây nhiễu thị trường
23/12/2021Thủ tướng vừa yêu cầu kiểm tra những trường hợp đấu giá có dấu hiệu bất thường và rà soát việc ngân hàng cấp tín dụng cho nhà đầu tư bất động sản.
Rà soát hoạt động đấu giá đất
Công điện của Thủ tướng cho hay, vừa qua, nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Song, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, trong đó có trường hợp cao bất thường đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội.
Để công tác quản lý đất đai, bất động sản, nhà ở trong thời gian tới hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, UBND các tỉnh thành khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường. Kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.
Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản; đề xuất các giải pháp để hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về cho vay vốn tín dụng.
Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Tác động mạnh tới thị trường
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, hơn 2 tháng sau khi lệnh nới lỏng giãn cách được nhiều địa phương áp dụng, hoạt động đấu giá đất ở nhiều nơi đang “sôi sục” trở lại, giá đất được thổi lên cao gấp nhiều lần giá thị trường.
Tại Hà Nội, phiên đấu giá 25 lô đất tại khu X4, phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) mới đây cũng đã khiến giới đầu tư “ngã ngửa” vì có mức giá khởi điểm lên tới gần 200 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá này càng trở nên sôi động khi có tới 800 – 900 hồ sơ nộp tham dự. Kết thúc phiến đấu giá, giá trúng cao hơn giá khởi điểm từ 2 – 2,6 lần, khiến nhiều nhà đầu tư nộp từ 5 – 10 bộ hồ sơ nhưng vẫn ra về trắng tay.
Hay tại Bắc Giang mới đây cũng đã diễn ra nhiều phiên đấu giá, nhiều lô đất đều chênh lệch hơn 1 tỷ đồng/lô so với giá khởi điểm, mức giá ghi nhận cao kỷ lục so với thời điểm trước dịch.
Song, vụ đấu giá nổi danh nhất có thể kể đến là phiên đấu giá 4 lô đất thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm (Thủ Đức – TP. Hồ Chí Minh) có tổng diện tích hơn 30.000m2 đã được mua đấu giá với 37.346 tỉ đồng, cao gấp 7 lần so với giá khởi điểm 5.300 tỉ đồng.
Riêng về mức giá trúng đấu giá 37.346 tỉ đồng, tức gấp khoảng 16,5 lần tổng thu ngân sách của cả tỉnh Tuyên Quang, địa phương xếp thứ 59/63 tỉnh thành phố trên cả nước về thu ngân sách trong năm 2020 (2270 tỷ đồng). Thậm chí, con số này còn lớn hơn cả tổng thu ngân sách của cả tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương phát triển công nghiệp hàng đầu cả nước trong năm 2019 (đứng thứ 8 với mức thu 34.946 tỷ đồng).
Đáng chú ý, trong khi thị trường có nhiều quan điểm nghi ngại liệu đơn vị trúng đấu giá có thực sự bỏ ra số tiền lớn như vậy để thu về lô đất này không, nhưng những tác động đến thị trường đã bắt đầu xuất hiện.
Ghi nhận của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy đã có một số dự án thuộc khu vực này ngưng bảng hàng để nghe ngóng thông tin, có khả năng sẽ tăng giá bán.
Theo các chuyên gia, vụ đấu giá đã tạo ra một đỉnh giá mới không chỉ tại Thủ Thiêm mà với cả nước, một mức giá “trên trời” và trong khan hiếm nguồn cung bất động sản vụ đấu giá này giống như một cú hích để các chủ đầu tư đẩy giá lên.
Nhiều chuyên gia khác cũng bày tỏ lo ngại kết quả phiên đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) ngày 10/12 sẽ đẩy thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh bước vào cơn sốt đất mới như trước đó đã từng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) chỉ rõ, trường hợp đơn vị trúng đấu giá thực sự nộp đủ số tiền trên, giá nhà ở khu vực này leo thang mà có thể khiến các kế hoạch bình ổn thị trường nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh bị đe dọa phá sản.
“Giá đất Thủ Thiêm có thể càng khiến thị trường phân hóa mạnh về cực nhà giá cao, các doanh nghiệp sẽ triệt tiêu phân khúc nhà giá thấp để chuyển sang các loại nhà giá cao nhằm tối ưu hóa lợi nhuận” – ông Châu cho biết.
Đồng quan điểm, TS. Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế cũng quan ngại khi mặt bằng giá mới phát triển các chủ đầu tư sẽ sẽ dồn vào chuyển đổi mục đích làm đất ở hoặc tương tự và tiếp tục làm cho chính sách phát triển sở hữu nhà ở hợp lý cho người thu nhập trung bình mà Chính phủ và Thành phố đang theo đuổi sẽ gặp khó khăn.