Xuất nhập khẩu 2022 có thể đạt mức kỷ lục 780 tỷ USD
02/12/2022Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2022 ước đạt 673,82 tỷ USD, vượt cả năm 2021. Theo dự báo, cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra là tăng 7 – 8%. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu của Việt Nam ước tính vượt mức 780 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 11 tăng so với cùng kỳ năm trước
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,82 tỷ USD tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt kết quả này đã vượt cả năm 2021. Theo Bộ Công thương đây là số liệu khả quan trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang có tín hiệu chậm, chững đơn hàng trong quý 4.
Để có thể đạt được kết quả tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm nay vượt kết quả cả năm trước phải kể đến kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng 13,4%, nhập khẩu ở mức hơn 10%.
Đáng chú ý, có tới 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 8 mặt hàng chủ lực xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Dự báo Xuất nhập khẩu năm 2022 có thể đạt mức kỷ lục 780 tỉ USD
Đáng chú ý, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) dự báo, mặc dù tốc độ XNK có chậm chút ít so với tốc độ ổn định cả năm, nhưng năm 2022 kim ngạch XNK sẽ đạt kỷ lục mới với khoảng 780 tỷ USD.
Trước đó nhiều dự báo cũng cho rằng, nếu duy trì đà tăng trưởng cao trong quý IV/2022, nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 750 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra là tăng 7 – 8%.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, từ nay đến cuối năm tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: lạm phát gia tăng ở nhiều khu vực thị trường, nguy cơ suy thoái kinh tế có nhiều bất định, nhất là tại EU, Mỹ và Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu lớn, quan trọng với Việt Nam.
Xung đột giữa Nga – Ukraine ngày càng leo thang và khó đoán định dẫn đến khủng hoảng năng lượng, lương thực kéo dài, đe đọa đến tính bền vững của thu nhập khả dụng của người tiêu dùng ở các nước phát triển, tạo áp lực và nguy cơ mức tiêu dùng hàng nhập khẩu từ Việt Nam khó duy trì như những tháng đầu năm.
Cre: taptridoanhnghiep